Không chỉ có những người thầy say mê trên bục giảng mà còn có những người thầy tận tâm, tận lực tại các cơ sở cải tạo giam giữ phạm nhân. Họ là những người thầy “đặc biệt”; những người thầy đang ngày đêm gieo mầm xanh của niềm tin và hi vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những mảnh đời lầm lỡ. Và câu chuyện về những người thầy giảng dạy tại lớp xóa mù chữ tại Trại tạm giam Vĩnh Quang là câu chuyện về những người thầy như thế.
Những đôi tay nắn nót từng nét chữ, những ánh mắt tập trung theo từng lời giảng, những tiếng đọc “ê, a” vang lên đều nhịp, là những gì chúng tôi ghi nhận được tại lớp học xóa mù chữ của Trại giam Vĩnh Quang - Bộ Công an đóng trên địa bàn xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo. Đứng trong hàng ngũ lực lượng công an 21 năm, thì đã có hơn 10 năm, thiếu tá Phạm Quốc Việt gắn bó với các lớp xóa mù tại đây. Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, do không có nghiệp vụ sư phạm, lớp học này lại có quá nhiều khó khăn, khác biệt khi đa dạng thành phần học viên, đa dạng độ tuổi, đa dạng vùng miền... khiến thiếu tá Việt không khỏi bối rối. Nhưng bằng sự tận tâm của mình, người giáo viên mang quân hàm đã mở cánh cửa tri thức cho biết bao phạm nhân, hướng họ tới những điều lương thiện.
Đối với thầy giáo Trần Tuấn Đạt, Phó Hiệu trưởng Trưởng tiểu học Vĩnh Thành, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, việc thuyết phục phạm nhân tham gia lớp học đã khó, việc giữ được họ gắn bó với lớp càng khó hơn. Nhiều người đã lớn tuổi, người mắt mờ tai kém; người tiếp thu rất chậm; một số học trò lại thiếu tính kiên nhẫn. Những lúc như vậy, người giáo viên chỉ có cách kiên trì, vừa chỉ bảo, uốn nắn lại vừa động viên phạm nhân. Sự hào hứng, niềm vui trong ánh mắt của phạm nhân cũng là động lực để thầy Đạt thêm tâm huyết, gắn bó hơn với những buổi lên lớp đặc biệt này.
Lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân là một hoạt động mang tính nhân văn, được Ban Giám thị trại giam tổ chức hằng năm. Các chương trình dạy trong đơn vị đều theo chương trình xóa mù chữ của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh những kiến thức cơ bản, phạm nhân còn được giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; lan tỏa ý thức, động lực giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, nỗ lực cải tạo tốt.
Cuộc sống của phạm nhân không lạnh lẽo sau song sắt trại giam, họ đã và đang sống trong một môi trường được quan tâm, chia sẻ và ấm áp tình người từ những người thầy đặc biệt./.
Tạ Hương