Tên lửa Vikram-S, nặng 545kg do công ty vũ trụ khởi nghiệp Skyroot phát triển, được phóng từ sân bay vũ trụ của Cơ quan vũ trụ Ấn Độ gần Chennai.
Tên lửa Vikram-S. (Nguồn: Twitter)
Ấn Độ ngày 18/11 đã phóng lên vũ trụ tên lửa đầu tiên do tư nhân phát triển, một dấu mốc trong nỗ lực của nước này xây dựng công nghiệp vũ trụ thương mại.
Tên lửa Vikram-S, nặng 545kg do công ty vũ trụ khởi nghiệp Skyroot phát triển, được phóng từ sân bay vũ trụ của Cơ quan vũ trụ Ấn Độ gần Chennai.
Tên lửa có khả năng đạt tốc độ 5 Mach - gấp 5 lần tốc độ âm thanh, và chở theo khối lượng 83kg lên độ cao tới 100km.
Công ty vũ trụ khởi nghiệp Skyroot có trụ sở ở Hyderabad, thành lập năm 2018 và được Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC hỗ trợ, là công ty vũ trụ khởi nghiệp đầu tiên ký thỏa thuận sử dụng các cơ sở thử nghiệm và phóng của Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sau khi chính phủ nước này mở cửa cho các công ty tư nhân năm 2020.
Cho đến nay công ty Skyroot đã thu hút được 5,26 tỷ rupee (64,42 triệu USD) đầu tư và tuyển dụng khoảng 200 nhân viên. Gần 100 nhân viên tham gia dự án phóng đầu tiên này.
Dự kiến tên lửa đạt độ cao 81km trước khi hạ cánh xuống biển sau 5 phút./.
Theo Thúc Anh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/an-do-phong-len-vu-tru-ten-lua-dau-tien-do-tu-nhan-che-tao/829934.vnp