Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ và NATO đang đau đầu tìm cách cung cấp vũ khí theo cam kết cho Kiev trong khi vẫn phải đảm bảo kho dự trữ vũ khí của mình.
Vừa cung cấp cho Ukraine, vừa đảm bảo kho dự trữ
Kể từ Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev. Cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng pháo binh, đạn dược và hệ thống phòng không trong cuộc xung đột hiện tại.
Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 18,9 tỷ USD kể từ khi xung đột xảy ra. Washington đã cung cấp cho Kiev hàng chục nghìn hệ thống vũ khí chống tăng, đạn pháo,… Tuy nhiên, yêu cầu về một số loại vũ khí của Ukraine vẫn chưa nhận được hồi đáp từ Mỹ.
Các lực lượng Ukraine chuẩn bị bắn một khẩu lựu pháo M-777. Ảnh: NY Times
Cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài hơn 9 tháng đang làm vơi đi kho vũ khí không chỉ ở Nga mà còn ở Mỹ, nơi ngành công nghiệp quốc phòng đang phải vật lộn để đáp ứng cam kết với Kiev mà không làm ảnh hưởng đến kho vũ khí dự trữ của Washington.
Khi cuộc xung đột đang bước sang giai đoạn mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, phương Tây đang cố gắng cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng đồng thời vẫn cần bổ sung cho kho dự trữ của NATO. Khi cả Nga và Ukraine đều đang “tiêu tốn” vũ khí với tốc độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai, cuộc cạnh tranh để duy trì kho vũ khí đã trở thành một mặt trận quan trọng có thể mang tính quyết định đối với nỗ lực của Ukraine.
Giới chức NATO cho biết số lượng pháo binh được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine là đáng kinh ngạc. Theo một quan chức cấp cao, vào mùa hè tại khu vực Donbass, Ukraine đã bắn từ 6.000-7.000 viên đạn pháo mỗi ngày. Lực lượng Nga bắn 40.000-50.000 viên đạn mỗi ngày. Trong khi đó, Mỹ chỉ sản xuất 15.000 viên đạn pháo mỗi tháng.
Vì vậy, phương Tây đang cố gắng tìm kiếm các thiết bị và đạn dược ngày càng khan hiếm từ thời Liên Xô mà Ukraine có thể sử dụng hiện nay, bao gồm tên lửa phòng không S-300, xe tăng T-72 và đặc biệt là đạn pháo cỡ nòng của Liên Xô.
Phương Tây cũng đưa ra các hệ thống thay thế, ngay cả khi chúng đã cũ hơn, để thay thế cho kho dự trữ tên lửa phòng không và tên lửa chống tăng Javelin đang bị thu hẹp. Các quốc gia phương Tây đang tìm cách mua đạn dược từ các quốc gia như Hàn Quốc để bù đắp kho dự trữ vũ khí gửi đến Ukraine.
Đã có các cuộc thảo luận về việc NATO đầu tư vào các nhà máy cũ ở Cộng hòa Séc, Slovakia và Bulgaria để khởi động lại việc sản xuất các loại đạn 152 mm và 122 mm của Liên Xô cho kho vũ khí pháo binh phần lớn vẫn còn từ thời Liên Xô của Ukraine.
Nga đang gặp một số vấn đề vũ khí. Hiện tại, Nga đang sử dụng ít đạn pháo hơn. Moscow cũng cố gắng tăng cường sản xuất quân sự và được cho là đang tìm cách mua tên lửa từ Triều Tiên và nhiều máy bay không người lái từ Iran.
Các quan chức NATO cho biết, vào cuối tháng 2, khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, kho dự trữ vũ khí của nhiều quốc gia chỉ bằng khoảng một nửa so với dự kiến.
Pháp đã cung cấp một số vũ khí tiên tiến và tạo ra một quỹ trị giá khoảng 208 triệu USD để Ukraine mua vũ khí sản xuất tại Pháp. Tuy nhiên, Pháp đã cung cấp ít nhất 18 khẩu lựu pháo Caesar hiện đại cho Ukraine, chiếm khoảng 20% tổng số pháo hiện có của nước này, và hiện không muốn cung cấp thêm.
Đối với EU, liên minh đã phê duyệt 3,2 tỷ USD để trả tiền cho các nước thành viên đã gửi vũ khí cho Ukraine. Số tiền này được trích từ Quỹ Hòa bình châu Âu, vốn đã cạn gần 90%.
Đến nay, các nước NATO đã cung cấp khoảng 40 tỷ USD vũ khí cho Ukraine, gần bằng ngân sách quốc phòng hàng năm của Pháp.
Một quan chức NATO cho biết, các quốc gia nhỏ hơn đã cạn kiệt tiềm năng cung cấp vũ khí cho Ukraine, với 20 trong số 30 thành viên của liên minh này “đã bị khai thác khá nhiều”. Nhưng 10 nước còn lại vẫn có thể cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các đồng minh lớn hơn, trong đó có Pháp, Đức, Italy và Hà Lan.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, hướng dẫn của NATO yêu cầu các nước thành viên duy trì kho dự trữ không nên là cái cớ để hạn chế chuyển giao vũ khí sang Ukraine. Tuy nhiên, theo NY Times, Đức và Pháp, giống như Mỹ, muốn hạn chế cung cấp một số loại vũ khí cho Ukraine để tránh leo thang căng thẳng.
Mỹ sẽ tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine?
Cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mark F. Cancian cho biết, những hệ thống mà Ukraine mong muốn có được nhưng phương Tây không cung cấp hoặc ít có khả năng cung cấp là tên lửa tầm xa ATACMS, một số loại máy bay chiến đấu và xe tăng, cùng nhiều hệ thống phòng không tiên tiến hơn.
Mỹ vẫn do dự trong việc cung cấp ATACMS, với tầm bắn khoảng 190km, cho Ukraine do lo ngại chúng được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ của Nga.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng quân đội nước này vẫn có đủ khả năng để tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và bảo vệ lợi ích của Mỹ ở những nơi khác.
“Chúng tôi cam kết cung cấp cho Ukraine những gì họ cần trên chiến trường”, Sabrina Singh, phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết sau khi thông báo Mỹ sẽ gửi thêm tên lửa Stinger cho Ukraine.
Các nguồn tin của CNN khẳng định sự thiếu hụt trong kho dự trữ vũ khí của Mỹ không ảnh hưởng đến an ninh quốc vì vũ khí nước này gửi cho Ukraine không đến từ nguồn cung cấp mà Lầu Năm Góc dùng cho các trường hợp dự phòng.
Washington cũng đang xem xét các giải pháp thay thế rẻ hơn như cung cấp cho Ukraine tên lửa TOW, vốn đang có nguồn cung dồi dào, thay vì tên lửa Javelin và tên lửa đất đối không Hawk.
Theo phân tích của chuyên gia Cancian, một số loại vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt. Kể từ tháng 9, quân đội Mỹ có một số lượng hạn chế đạn pháo 155mm trong kho dự trữ và số lượng hạn chế tên lửa dẫn đường, bệ phóng tên lửa, lựu pháo, tên lửa Javelin và Stinger.
“Sự thiếu hụt đạn pháo 155mm có lẽ là vấn đề lớn khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ lo ngại nhất. Nếu muốn tăng khả năng sản xuất đạn pháo 155m, có lẽ phải mất 4-5 năm nữa”, ông Cancian nói.
Theo Mai Trang/VOV.VN Tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cung-cap-vu-khi-cho-ukraine-my-va-nato-dang-roi-vao-vong-xoay-post987035.vov