Xác định rõ vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái cho tỉnh và cả vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc; đồng thời, để người dân vùng có rừng nâng cao thu nhập từ kinh tế rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền Vĩnh Phúc quan tâm, chỉ đạo, nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh.
Để nâng cao độ che phủ rừng, khai thác và phát huy giá trị của từng loại rừng, UBND tỉnh đã giao ngành nông nghiệp rà soát, quy hoạch, phân loại rừng; giao rừng và đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ; đánh giá, kiểm soát các quy hoạch, dự án phát triển KT-XH có tác động đến diện tích, chất lượng rừng, nhất là với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Xây dựng các mô hình điểm sử dụng các giống cây lâm nghiệp mới; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng luân canh rừng bằng các giống cây chất lượng cao; đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, các biện pháp thâm canh, bảo vệ cây rừng.
Tính đến nay, toàn tỉnh trồng mới được hơn 4.000 ha rừng tập trung, hơn 6.700 ha cây phân tán; khoán bảo vệ rừng gần 9,3 nghìn ha/năm. Nhiều địa phương đã áp dụng mô hình nông lâm kết hợp, phát triển cây dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ; xã hội hóa nghề rừng, phát triển các hình thức du lịch gắn với lâm nghiệp, tạo nguồn thu ổn định cho người dân.
Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao, đến nay, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất ngày càng phát triển, góp phần hạn chế lũ lụt, xói mòn đất, điều tiết nguồn nước; nguồn sinh thủy được cải thiện; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân./.
Đặng Thưởng