Cập nhật: 04/12/2022 09:37:00
Xem cỡ chữ

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Moscow sẽ không chấp nhận mức trần giá dầu và chính quyền sẽ thông báo về các quyết định tiếp theo dựa trên phân tích tình hình.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov cho biết, tình hình hiện đang được phân tích. Điện Kremlin chắc chắn sẽ không chấp nhận mức trần như vậy, công việc sẽ được tổ chức như thế nào, sau khi phân tích sẽ nhanh chóng tiến hành.

nga tuyen bo khong chap nhan tran gia dau do eu ap dat hinh anh 1

Ảnh minh họa: Getty

Đại sứ quán Nga tại Mỹ gọi quyết định của phương Tây tập thể áp đặt giới hạn giá đối với việc cung cấp dầu bằng tàu của Nga là nguy hiểm và bất hợp pháp. Việc định hình lại các nguyên tắc cơ bản về hoạt động của thị trường tự do, sẽ làm gia tăng bất ổn toàn cầu và tăng chi phí cho người tiêu dùng nguyên liệu thô.

Theo cơ quan ngoại giao Nga, những tuyên bố rằng giới hạn giá được đưa ra nhằm đáp ứng lợi ích của các nước đang phát triển, trên thực tế chỉ là cái cớ của các nước phương Tây. Họ đang cẩn thận che đậy sự thật rằng, mất cân bằng hiện tại ở các khu vực năng lượng là kết quả của những hành động hấp tấp của chính họ. Trước hết là các biện pháp trừng phạt và cấm các nguồn tài nguyên từ Nga.

Đại sứ quán Nga cũng lưu ý rằng, mức trần đối với dầu của nước này tạo tiền lệ cho việc áp dụng các biện pháp tương tự liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu của các quốc gia khác, vì lý do chính trị. Trước đó, giới lãnh đạo Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc áp dụng các biện pháp hạn chế giá đối với dầu mỏ của Nga sẽ dẫn đến sự thiếu hụt trên thị trường năng lượng. Nga sẽ không cung cấp dầu cho các nước tham gia cơ chế này.

Các đại diện thường trực của EU đã vừa đạt được thỏa thuận về đề xuất của Nhóm G7 áp đặt mức trần đối với giá dầu từ Liên bang Nga ở mức 60 USD/thùng. Mức trần giá này có hiệu lực đồng thời với lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ từ Nga vào ngày 5/12. Mục tiêu của phương Tây là giảm nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng thực tế là phương Tây không muốn một người chơi quan trọng như Nga rời khỏi thị trường dầu mỏ thế giới. Việc giảm mạnh lượng dầu của Nga trên thị trường thế giới sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng mạnh.

Chuyên gia thị trường chứng khoán tại BCS Mir Investments Igor Galaktionov cho rằng, trần giá mà phương Tây đưa ra gần với mức giá hiện tại đối với dầu Urals, và nhiều trường hợp ngoại lệ cũng như chính định dạng của cơ chế theo dõi mức giá trần cho phép khả năng giữ lại phần lớn hàng xuất khẩu của Nga. Nước này buộc phải bán dầu Ural với giá chiết khấu, và hiện tại, theo nhiều ước tính khác nhau, giá dao động từ 55-65 USD/thùng. Đối với ngân sách Nga, điểm giới hạn 60USD cũng là một phương án có thể chấp nhận được, vì thâm hụt ngân sách sẽ bắt đầu tăng mạnh chỉ ở mức 40-45 USD/thùng.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích tại FG Finam Alexander Potavin, các công ty dầu mỏ của Nga sẽ phải đối mặt với chi phí hậu cần tăng cao, vì hành trình của tàu chở dầu từ cảng bốc dỡ dầu lớn nhất của Nga ở Biển Baltic Primorsk, đến các cảng châu Âu chỉ mất 3-4 ngày, còn hành trình đến Ấn Độ mất khoảng một tháng. Điều này dẫn đến việc luân chuyển hàng hóa giảm và chi phí thuê tàu tăng. Trước lệnh cấm vận, giá thuê tàu chở dầu đã tăng hơn gấp đôi.

Theo Bloomberg, chi phí vận chuyển dầu của Nga từ Baltic đến Ấn Độ đã tăng lên 20 USD/thùng. Nếu thêm vào đây chi phí sản xuất và thuế, cũng như chiết khấu bắt buộc, thì các công ty dầu mỏ của Nga thu được lợi nhuận rất không đáng kể. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, bên lề Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng Nga-Trung quốc lần thứ 4 tại Moscow, đã cảnh báo rằng, giá trần chắc chắn sẽ dẫn đến giảm đầu tư, sụt giảm và thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường.

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế, kể từ tháng 5, việc vận chuyển dầu của Nga sang phương Tây đã giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày, nhưng phần lớn - 2/3 khối lượng này đã được chuyển sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung, Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga. Nếu tính cả việc cung cấp bằng đường ống, thì Trung Quốc dẫn đầu.

Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa và phái sinh toàn cầu tại Bank of America Francisco Blanch cho rằng, sau ngày 5/12, nguồn cung dầu của Nga sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày, nhưng nếu thị trường mất nhiều hơn mức này, dầu Brent sẽ vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Theo ý kiến của ông, vào cuối năm 2023, giá dầu Brent tương lai có thể sẽ tăng lên 110 USD/thùng, bởi vì nguồn cung dầu toàn cầu sẽ bị hạn chế.

Theo PV/VOV-Moscow

https://vov.vn/the-gioi/nga-tuyen-bo-khong-chap-nhan-tran-gia-dau-do-eu-ap-dat-post988265.vov