Cập nhật: 07/12/2022 14:15:00
Xem cỡ chữ

Chiều 7/12, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 9 để cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Đài PT-TH Vĩnh Phúc trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan.

Kính thưa các đồng chí đại biểu các vị khách quý,

Thưa các ông, bà đại biểu HĐND tỉnh,

Thưa cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Hôm nay, HĐND tỉnh khoá XVII khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 - Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Thay mặt Chủ tọa kỳ họp, xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi đến các vị khách quý, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV, các vị đại biểu HĐND tỉnh; các đại biểu dự kỳ họp; các phóng viên báo chí; cử tri và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc lời chúc sức khỏe và hạnh phúc, chúc kỳ họp của chúng ta thành công tốt đẹp.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Năm 2022, được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, là năm thứ 2 của nhiệm kỳ HĐND các cấp. Trong tình hình khó khăn chung của cả nước, Vĩnh Phúc cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: ngay sau Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sảy ra trên phạm vi rất rộng với số người nhiễm bệnh rất lớn; cùng với đó là tình hình thế giới có những biến động phức tạp, khó lường về kinh tế, chính trị như: lạm phát tăng cao, kinh tế phục hồi chậm tại rất nhiều quốc gia là đối tác, là thị trường quan trọng của các doanh nghiệp trong tỉnh; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tác động từ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine; tác động từ các chính sách phòng dịch bệnh của một số quốc gia sau đại dịch COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất trong một số ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước và tỉnh..... cùng với đó, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp; mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương, làm thiệt hại về tài sản, lúa, hoa màu của người dân, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống nhân dân và kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện các khâu đột phá, khơi thông điểm ngẽn, cùng với sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét với những kết quả tích cực là chủ đạo, cơ bản:

- Kinh tế có sự phục hồi nhanh và phát triển, tăng trưởng cao, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu HĐND tỉnh đã đề ra năm 2022. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán và cao nhất từ trước tới nay;

- Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt chú trọng, việc tiêm vắc xin phòng dịch bệnh COVID-19 được triển khai quyết liệt, hiệu quả trên địa bàn tỉnh;

- Công tác giải quyết việc làm, kết nối cung - cầu lao động được thực hiện hiệu quả, cung ứng kịp thời lao động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đảm bảo việc làm cho người dân;

- Công tác giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và diễn ra sôi động sau thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19;

- Các chính sách an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng: tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm; các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách; hỗ trợ các đối tượng yếu thế, các chính sách hỗ trợ bảo hiểm,...tiếp tục được chú trọng thực hiện và thực hiện hiệu quả;

- An ninh chính trị được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc được củng cố, phát huy hiệu quả;

Những kết quả đạt được nêu trên là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình chung có rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, tỉnh vẫn còn rất nhiều mặt hạn chế như:

- Kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng quá trình chuyển đổi mô hình, nâng cao chất lượng, tạo các động lực mới cho tăng trưởng còn rất chậm, thiếu tính tổng thể và thiếu các cơ chế, chính sách đột phá, việc tổ chức thực hiện, điều hành còn nhiều bất cập.

- Ở từng lĩnh vực, địa phương vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế; đặc biệt nhiều tồn tại, hạn chế đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường.

- Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và tiến độ triển khai thực hiện các dự đầu tư trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công chưa đạt được yêu cầu đề ra.

- An ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm. Tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường còn xảy ra ở nhiều địa phương.

- Tinh thần, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chậm chuyển biến; phương thức, cách thức làm việc chưa chuyên nghiệp, thiếu khoa học. Một số cán bộ, công chức năng lực trình độ hạn chế, không theo kịp được với nhịp độ, áp lực công việc; thiếu sâu sát cơ sở, thiếu sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thậm chí xuất hiện tư tưởng sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh công việc. Một số cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật.

Năm 2023, dự báo với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có vai trò quan trọng của HĐND tỉnh. Vì vậy HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh cần phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ, phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, vướng mắc. Đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp và hiệu quả; quyết định đúng đắn, kịp thời các cơ chế, chính sách để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

Kính thưa các vị đại biểu!

Theo chương trình đã được thông qua tại phiên họp trù bị, kỳ họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng:

Một là, Xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về: Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công và nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022. Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh; Báo cáo công tác của UBND tỉnh năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và các báo cáo chuyên đề của UBND tỉnh trình tại kỳ họp.

Hai là, Xem xét, cho ý kiến vào báo cáo công tác của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh năm 2022, nhiệm vụ năm 2023; báo cáo công tác năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 của các ngành: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Ba là, HĐND tỉnh sẽ nghe Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo hoạt động của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân năm 2022; Thường trực HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023; báo cáo kết quả thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Đây là kênh thông tin quan trọng để đại biểu có thêm cơ sở xem xét, phân tích, đánh giá và quyết định thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp này.

Bốn là, Xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Đây là những nội dung có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận đánh giá làm rõ sự cần thiết, căn cứ ban hành, nội dung của các nghị quyết, đặc biệt là các chuyên đề về ban hành cơ chế, chính sách, đảm bảo tính pháp lý, thực tiễn và tính khả thi của Nghị quyết HĐND tỉnh.

Năm là, tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ dành nhiều thời gian thảo luận tại hội trường, thảo luận ở tổ; tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và xem xét trả lời chất vấn những vấn đề mà cử tri, Nhân dân và dư luận quan tâm. Đây là hình thức hoạt động giám sát của HĐND tỉnh để phát huy vai trò giám sát của cử tri và Nhân dân thông qua truyền hình trực tiếp. Tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh, cũng như lãnh đạo và các thành viên UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân thông qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh.

Sáu là, HĐND tỉnh sẽ tiến hành bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Kính thưa các đồng chí đại biểu Trung ương và các vị khách quý!

Thưa các vị đại biểu!

Kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng, tác động lớn đến việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và của cả nhiệm kỳ 2021-2026.

Thay mặt Chủ tọa kỳ họp, tôi đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào các nội dung trình tại kỳ họp, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Với tinh thần đó, thay mặt Chủ tọa kỳ họp, tôi tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xin trân trọng cảm ơn!