Cập nhật: 10/12/2022 07:44:00
Xem cỡ chữ

Các lực lượng Nga và Ukraine đã giao tranh ác liệt ở miền Đông Ukraine mà không đạt được bước ngoặt đáng kể nào về lãnh thổ trong tuần qua. Ngoài ra, cả hai bên đều không tỏ ra sẵn sàng đàm phán ngay lập tức để chấm dứt cuộc xung đột.

Nga và Ukraine đều giáng đòn mạnh mẽ

Đầu tuần này, Nga đã bắn khoảng 70 tên lửa vào các thành phố của Ukraine như Kiev, Vinnytsia và Odessa. Các cuộc tấn công đã làm hư hại cơ sở hạ tầng năng lượng, trong đó một số cơ sở vừa được khắc phục sau khi bị tấn công trước đó.

Mặc dù các quan chức Ukraine cho biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ hơn 60 tên lửa từ Nga, nhưng các cuộc tấn công thành công đã khiến nhiều khu vực của thủ đô Kiev mất điện.     

nga va ukraine quyet khong nhuong bo, kich ban cham dut xung dot xa voi hinh anh 1

Xe tăng của lực lượng Ukraine hoạt động tại thành phố Bakhmut. Ảnh: AFP

Nga cho biết các đợt tấn công tên lửa nhằm đáp trả việc Ukraine sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công hai căn cứ quân sự Dyagilevo ở vùng Ryazan, phía Đông Nam Nga và Engels ở vùng Saratov của Nga. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã sử dụng UAV thời Liên Xô trong các cuộc tấn công nhằm “vô hiệu hóa máy bay tầm xa của Nga”.

Một số chuyên gia cho biết, UAV sử dụng để tấn công các căn cứ không quân của Nga là Tu-141. Loại UAV trinh sát này bay với tốc độ cao, tầm hoạt động 1.000 km.

Trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Putin nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine là một phản ứng cần thiết đối với hành động phá hoại của Ukraine trên lãnh thổ Nga.

Tại những khu vực khác, Nga duy trì tấn công ở Bakhmut, một thành phố quan trọng ở khu vực phía Đông Donetsk. Nga đã tấn công Bakhmut bằng tên lửa trong hơn 5 tháng. Cuộc tấn công trên bộ tăng tốc sau khi Nga giành quyền kiểm soát tỉnh Lugansk và Ukraine rời khỏi khu vực này.

Ukraine cho biết lực lượng của họ bị quân đội Nga áp đảo về mặt số lượng và phải đối mặt với sự cạn kiệt đạn dược trong trận chiến ở Bakhmut, nơi được coi là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc xung đột vào lúc này.

Nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, ông Denis Pushilin, cho biết mặc dù các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát 338 thành phố, thị trấn và khu định cư ở khu vực này, Ukraine đã triển khai lực lượng dự bị và tiến hành các cuộc phản công.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của họ đã đẩy lùi một cuộc phản công của Ukraine vào ngày 7/12 gần các khu định cư Pershe Travnya, Kurdyumovka, Klescheevka và Mayorsk ở Donetsk. Ngoài ra, Nga cũng ngăn chặn các cuộc phản công của Ukraine ở các khu định cư Chernopopovska và Zhytlovka ở khu vực Lugansk lân cận. Những động thái này cho thấy Ukraine đã không từ bỏ hai khu vực ở phía Đông hiện phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Theo ông Pushilin, quân đội Nga đang tiến vào Avdiivka và Pervomaiskoye ở vùng Zaporizhzhya, phía Nam Donetsk.

Siết chặt trừng phạt Nga

Trong khi cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các đồng minh phương Tây của Ukraine đã chuyển sang siết chặt trừng phạt mặt trận kinh tế Nga.

G7, Australia và EU ngày 2/12 đã nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển. Thỏa thuận này có hiệu lực vào ngày 5/12, cùng ngày với lệnh của EU cấm nhập khẩu dầu thô Nga.

Mặc dù quy định này ngăn các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho những lô dầu Nga được bán cao hơn giá đã định, nhưng không áp dụng cho nhập khẩu dầu Nga vào EU thông qua đường ống.

Các nước thành viên EU như Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia vốn phụ thuộc nhiều vào dầu vận chuyển qua đường ống của Nga sẽ được phép tiếp tục nhập khẩu tạm thời cho đến khi họ có nguồn cung thay thế.

Những đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga vẫn chưa dừng lại ở đấy. Đại diện cấp cao phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu Josep Borrell cho biết EU sẽ ngay lập tức chuyển sang gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga về “lĩnh vực quân sự và quốc phòng, các công ty sản xuất thiết bị quân sự hoặc những cá nhân lên kế hoạch tấn công tên lửa”.

Vadym Skibitskyi, quan chức thuộc Cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết một số tên lửa dội xuống Ukraine được sản xuất trong mùa hè, vào thời điểm các biện pháp trừng phạt của phương Tây được cho là đã ngăn chặn Nga mua các thành phần quan trọng cho tên lửa.

“Nga vẫn có thể sản xuất một số lượng nhất định tên lửa hành trình và các loại vũ khí khác”, ông Skibitskyi nói, đồng thời cho biết Nga đang thảo luận với Iran về việc bổ sung kho tên lửa đạn đạo.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng các vấn đề gây ra bởi lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga là “không nghiêm trọng”.

“Nền kinh tế của Nga có tiềm năng cần thiết để đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu và yêu cầu trong khuôn khổ hoạt động quân sự đặc biệt”, ông Peskov nói.

Triển vọng đàm phán xa vời

Ở giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, dường như không có bên nào sẵn sàng cho các cuộc đàm phán.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẵn sàng trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về thỏa thuận hòa bình tương lai ở Ukraine.

Ukraine đặt ra các điều kiện tiên quyết lớn cho các cuộc đàm phán, bao gồm cả việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ đã giành quyền kiểm soát, bồi thường thiệt hại cho Kiev, những điều mà Moscow từ chối.

Trong khi đó, Nga cho biết nước này sẵn sàng đàm phán về việc chấm dứt xung đột với Ukraine nếu có một đề xuất cụ thể tính đến lợi ích của Moscow.

“Nếu có một đề xuất nghiêm túc về việc chấm dứt cuộc xung đột này trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu hoàn toàn chính đáng của chúng tôi, tất nhiên chúng tôi sẽ sẵn sàng đàm phán”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hôm 7/12.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho rằng một lệnh ngừng bắn vào thời điểm này là điều không phù hợp.

“Tổng thống Putin có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để huấn luyện thêm binh sĩ và sản xuất thêm đạn dược cũng như tái trang bị cho lực lượng vũ trang”, ông Cleverly nói.

Theo  Mai Trang/VOV.VN Tổng hợp

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-va-ukraine-quyet-khong-nhuong-bo-kich-ban-cham-dut-xung-dot-xa-voi-post989444.vov