Thời gian qua, liên tiếp những vụ việc ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra tại trường học ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã khiến dư luận quan tâm và lo lắng về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh. Vì vậy, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường quản lý, siết chặt nguồn thực phẩm đầu vào, quy trình thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Phúc Yên luôn đặt lên hàng đầu việc đảm bảo an toàn của trẻ. Mặc dù cơ sở cung cấp thực phẩm đã có các giấy tờ, hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, hàng ngày cán bộ quản lý, nhân viên y tế của trường trực tiếp có mặt tại khâu nhập tiếp nhận thực phẩm kiểm tra định lượng, chất lượng thực phẩm trước khi nhân viên nhà bếp chế biến thức ăn cho trẻ.
Cùng với khâu kiểm soát thực phẩm đầu vào, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Thanh Vân, huyện Tam Dương thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình chế biến thức ăn cho trẻ. Khu nhà bếp luôn đảm bảo sạch sẽ, dụng cụ, đồ dùng đều được vệ sinh, khử khuẩn. Nhân viên cấp dưỡng phải đeo khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình sơ chế, chế biến và chia khẩu phần ăn, thực hiện lưu mẫu theo đúng quy định. Toàn tỉnh hiện có hơn 300 trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú, tập trung chủ yếu ở bậc Tiểu học và Mầm non.
Ngay sau những vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành ngay văn bản yêu cầu tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, Chi cục ATVSTP tỉnh có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố; các Trung tâm Y tế về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể trong trường học. Đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về ATTP; xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trong các trường học trên địa bàn quản lý.
Thu Hoài