Là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn với 715m so với mặt nước biển (vùng Bảy Núi), tỉnh An Giang, Núi Cấm hay còn gọi Thiên Cấm Sơn không chỉ kỳ vĩ về cảnh sắc “bồng lai tiên cảnh”, mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí. Nơi đây là một trong những điểm du lịch tâm linh hành hương nổi tiếng của tỉnh An Giang.
Toàn cảnh đỉnh Núi Cấm hùng vĩ, điểm đến du lịch tâm linh hành hương nổi tiếng ở An Giang
Tỉnh An Giang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với bốn trụ cột gồm: Du lịch tâm linh; Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; Du lịch sinh thái, sông nước; Du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử. Trong đó, du lịch tâm linh là trụ cột chính và Núi Cấm ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là một trong những điểm du lịch tâm linh kết hợp hành hương hấp dẫn trong điểm đến của An Giang.
Dân gian có câu: “Tu Phật núi Yên, tu tiên Bảy Núi” là để nói một thời vùng Thất Sơn là nơi tu luyện của nhiều tu sĩ đến ẩn tu và cũng là nơi khai sinh nhiều đạo giáo. Trong đó, Núi Cấm là ngọn núi lưu giữ những câu chuyện huyền bí được lưu truyền trong dân gian bao đời nay. Vì thế, các huyền tích từ những câu chuyện ly kỳ ở “nóc nhà” miền Tây trở nên nổi tiếng khắp nơi, góp phần hình thành“sản phẩm du lịch tâm linh”, vừa thúc đẩy phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, vừa giữ gìn và lan tỏa những giá trị truyền thống văn hóa, giá trị di sản.
Tự nhiên đã hình thành rất nhiều hang đá như hang Bạch Hổ, hang Bát Vật Lang, điện Chư Thần, điện Mười Ba, các vồ đá cùng những câu chuyện huyền bí. Vào thời khẩn hoang, trên núi hoang vu, sơn lam chướng khí, con người đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt càng phải ủy thác tinh thần vào các thế lực siêu nhiên.
Đặc biệt trên Núi Cấm hội tụ các “kỳ hoa”, “dị thảo” đất phương nam, nhiều loại dược liệu quý hiếm có tác dụng làm thuốc chữa bệnh. Thuở trước, nhiều người lên Núi Cấm “tầm sư học đạo” để bốc thuốc cứu người. Đến tận hôm nay, trên đỉnh Thiên Cấm Sơn vẫn còn một số đạo sĩ sống ẩn dật với nghề bốc thuốc nam bằng thảo dược chữa bệnh, cứu giúp người miễn phí.
Hệ thống cáp treo từ vận chuyển du khách từ chân núi lên đỉnh Núi Cấm
Đi cùng năm tháng, Cấm Sơn ngày càng được bồi đắp thêm những câu chuyện cổ tích thời hiện đại tạo cho vùng núi này một nét hấp dẫn riêng, chạm đến những giá trị du lịch xứng với tiềm năng vốn có. Được đầu tư hệ thống cáp treo hiện đại với công suất hơn 4000 người/giờ đáp ứng nhu cầu du lịch, viếng chùa, hành hương, dâng lễ một cách dễ dàng hơn. Chỉ mất 15 phút di chuyển, không những rút ngắn đáng kể thời gian mà du khách còn được tận hưởng cái cảm giác thích thú khi được ngắm toàn cảnh núi non hùng vĩ vùng Thất Sơn từ trên cao.
Cây rừng ngân nga, chim ca lảnh lót, cả một dải núi rừng buổi ban mai rộn ràng hơn hẳn như một bản hòa ca chào mời du khách. Du khách lên đỉnh hành hương, tham quan chiêm bái chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc ngồi trên đỉnh núi cao nhất châu Á, kỷ lục Guinness Việt Nam…
Một góc Chùa Vạn Linh
Chùa Vạn Linh có vị thế rất đẹp, nằm trên vồ Bồ Hong (ở độ cao khoảng 600m so với mặt nước biển) hướng về hồ Thủy Liêm tĩnh lặng tạo nên khung gian thoáng đãng gần gũi mà trang nghiêm. Du xuân du lịch dịp Tết 2023 đến chùa Vạn Linh, du khách sẽ được lắng nghe những tiếng chuông chùa trầm ấm ngân vang, khiến tâm ta có cảm giác bình yên đến kỳ lạ.
Một thoáng yên ả bên bờ Hồ Thủy Liêm trên đỉnh Núi Cấm
Nhiều người chọn Thiên Cấm Sơn làm điểm đến du lịch tâm linh kết hợp hành hương đầu năm, ngoài việc lễ bái cầu may, cầu bình an, cầu tài lộc thì còn kết hợp được với nhiều hình thức tham quan, khám phá, trải nghiệm khá độc đáo. Vãn cảnh núi non thơ mộng, chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên đất trời đầu xuân sẽ mang lại nguồn năng lượng tốt lành, gặp nhiều thuận lợi hanh thông trong công việc và cuộc sống.
Theo MINH NGỌC/nhandan.vn
https://nhandan.vn/du-lich-tam-linh-hanh-huong-nui-cam-post731691.html