Đã từ rất lâu, người ta nói về nhân quyền với tư cách một khái niệm có tính phổ quát toàn cầu và điều này đã được giải nghĩa, quy định trong nhiều văn bản luật pháp quốc tế cũng như quy định trong luật pháp của các quốc gia. Thế nhưng, nhân quyền vẫn bị hiểu sai lệch, bị bóp méo trong tư duy, quan điểm của không ít tổ chức, cá nhân và khi khái niệm đó bị “xô lệch” thì họ luôn tìm cớ để bôi vẽ lên đó những sắc màu xám xịt theo động cơ, ý đồ riêng.
Trong loạt bài viết này, chúng tôi muốn nói đến trò xảo trá, ngụy biện của những kẻ giảo hoạt vốn luôn lợi dụng lá bài nhân quyền để chống phá Việt Nam và sự cảnh tỉnh với những ai đang bị biến thành con rối trong tay kẻ xấu.
I - Ngẫm chuyện con chim sẻ trong tay kẻ giảo hoạt
Có câu chuyện ngụ ngôn nói về kẻ giảo hoạt. Ý rằng, có một người tính cách rất gian manh, giảo hoạt đánh cược người khác rằng anh ta sẽ chứng minh được tượng thần Delphi là tượng giả. Đến ngày hẹn, kẻ giảo hoạt cầm con chim sẻ trong tay và giấu nó vào ống tay áo ở áo khoác ngoài. Gã ta bước vào, hỏi thần rằng thứ gã ta cầm trong tay còn sống hay đã chết. Dụng ý của gã là nếu thần nói đã chết, gã sẽ lập tức mang con chim sẻ đang sống ra, còn thần nói còn sống thì gã sẽ bóp chết chim sẻ rồi đưa ra. Nhưng vị thần đã kịp nhận ra quỷ kế của anh chàng đê tiện nên nói ngay: “Vật trong tay anh sống hay chết không phải phụ thuộc chính nó mà là ở cái ý đồ độc địa của anh”!
Việc tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khẳng định vị thế, uy tín quan trọng của Việt Nam.
Ngẫm chuyện ấy, thật thâm thúy. Khi kẻ nào có dụng ý xấu thì chuyện tốt của người khác cũng bị kẻ đó biến thành xấu cả, bất chấp thực tế có tốt đẹp như thế nào. Tồn tại khách quan không có ý nghĩa chứng minh trước động cơ, ý đồ của kẻ đó vốn chỉ nhằm bôi đen, miệt thị, đả phá. Rõ là, cái tâm xấu thì thế giới quan cũng theo đó mà nhuốm đen, vậy thì việc phải cải sửa không phải bắt đầu từ thay đổi hiện thực khách quan mà phải thay đổi cái tâm đen của những cá nhân, tổ chức như vậy.
Đã từ rất lâu, người ta nói về nhân quyền với tư cách một khái niệm có tính phổ quát toàn cầu và điều này đã được giải nghĩa và quy định trong nhiều văn bản luật pháp quốc tế, thông lệ quốc tế cũng như quy định trong luật pháp của các quốc gia. Thế nhưng, nhân quyền vẫn bị hiểu sai lệch, bị bóp méo trong tư duy, quan điểm của không ít tổ chức, cá nhân và khi khái niệm đó bị “xô lệch” thì họ luôn tìm cớ để bôi vẽ lên đó những sắc màu xám xịt theo động cơ, ý đồ riêng. Nhân quyền tự lâu trở thành lá bài hết sức lợi hại mà những người dùng nó để lên án, phê phán một quốc gia khác có thể xoay chuyển “tình hình nhân quyền” theo ý của mình, là một cái cớ để đánh lừa dư luận quốc tế, qua đó vẽ ra viễn cảnh nghiêm trọng để tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Bởi lẽ đó, như thường lệ, một số nhận định, đánh giá sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn luôn tái diễn, trong đó có những vấn đề mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”, “đàn áp nhân quyền”, “bịt miệng nhà dân chủ”, “không có tự do ngôn luận”… Những dẫn chứng đưa ra vẫn xoay quanh điệp khúc cũ, trong đó điển hình là những đối tượng phạm pháp bị cơ quan chức năng truy cứu, xử phạt theo Bộ luật Hình sự vẫn được “mặc áo nhân quyền”...
Với màu sắc tư duy, đánh giá như vậy, sẽ không có gì phải bàn khi cái nền cũ vẫn bám rễ có tính định kiến. Nhưng dư luận thế giới đặt câu hỏi: Việt Nam hiện vị thế, vai trò đã khác khi từng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, nay lại tiếp tục được bầu vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, được đông đảo các nước tín nhiệm, vì sao các báo cáo, phúc trình vẫn tảng lờ, tiếp tục có những đánh giá lạc lõng?
Chính các quốc gia, tổ chức có vị thế trên thế giới đã thừa nhận và khẳng định sự tín nhiệm khi ủng hộ Việt Nam qua lá phiếu cũng như các ủng hộ tại phiên bảo vệ báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ. Cần lưu ý rằng, trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và chính trị hóa, UPR được đánh giá là cơ chế tiến bộ và tích cực. Tất cả các nước dù được coi là mạnh nhất, dù lớn tiếng nhất về nhân quyền thì vẫn phải chịu sự xem xét đánh giá, góp ý của những nước nhỏ. Điều đó cho phép những nhận định, đánh giá khách quan về quyền con người.
Khi hiện thực đã được thừa nhận và ủng hộ qua lá phiếu cũng như những đánh giá khách quan, không chỉ một khu vực mà có tính phổ quát toàn cầu thì hiện thực đó là thành tựu không chỉ có vai trò, vị trí với Việt Nam mà còn là thành tựu của tiến trình phấn đấu vì các mục tiêu nhân quyền của thế giới. Là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tiếng nói của Việt Nam không chỉ đại diện cho vị thế của nước mình mà có sức lan tỏa, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, vùng, lãnh thổ khác nhau. Vì thế những đánh giá về nhân quyền đối với thành viên của Hội đồng càng phải đảm bảo tính chuẩn xác, khách quan chứ không thể lặp lại điệp khúc cũ mòn như lâu nay.
“Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên Hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới” - đó là đánh giá mới nhất về Việt Nam của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Còn ông Jean Pierre Archambault, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt thì khẳng định, bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận.
Minh chứng cho sự tín nhiệm khi Việt Nam là được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tín cử là đại diện cho khối tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Bởi theo bà Caitlin Wiesen, nguyên Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, trong nhiều thành tựu, tiến bộ mà bà ấn tượng về Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực chính là công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tình trạng nghèo cùng cực tại Việt Nam đã giảm từ tỷ lệ cao nhất khoảng 40% ở những năm 1990 xuống dưới 5% vào năm 2020. Đó chính là sự thay đổi phi thường. Trong 2 năm đại dịch vừa qua, bà Caitlin Wiesen cũng đánh giá rất cao những thành tựu mà chính phủ Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Caitlin Wiesen ghi nhận: “Chính phủ Việt Nam đã nhận được đánh giá cao của người dân và cộng đồng quốc tế vì đã chủ động dự báo được tình hình đại dịch, nhanh nhạy và thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong việc kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, các biện pháp nhanh chóng và minh bạch với ưu tiên hàng đầu là an toàn của người dân được coi là những yếu tố then chốt củng cố niềm tin và sự ủng hộ của người dân với chính phủ và các nhà lãnh đạo”.
Còn với ông Hervé Conan - Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp cho rằng, ông rất ấn tượng về những thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Theo ông, hình ảnh của người phụ nữ hiện nay hoàn toàn khác với hình ảnh cách đây 30 năm, vốn luôn gắn liền với công việc bếp núc và chăm lo nhà cửa. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Việt Nam cũng cho thấy vai trò rất tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới trên thế giới khi là một trong những nước đầu tiên thông qua Công ước về cấm mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ cách đây hơn 40 năm và sau đó là Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995. Trong khi đó, các thành viên Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) cũng hoan nghênh những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo các quyền trẻ em.
Nhiều chính trị gia và học giả quốc tế đã rất ấn tượng về những thành công mà Việt Nam đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là tấm gương thành công về phát triển kinh tế xã hội, quyền con người và hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ (MDG). Theo Liên hợp quốc, chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam liên tục tăng theo các năm và hiện lọt vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về khía cạnh quyền tự do Internet, ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội, Việt Nam đang đứng top đầu thế giới.
Như We Are Social & Hootsuite đã thống kê về chỉ số tiếp cận Internet, Việt Nam có tới 150 triệu kết nối mobile, khoảng 70 triệu người dùng internet. Hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã. Tự do báo chí được thể hiện cụ thể với việc cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí, hơn 100 báo có hoạt động báo điện tử, hơn 600 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Với việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc lần thứ hai, Giáo sư James Borton, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Chính sách đối ngoại, Đại học Johns Hopkins cho biết, điều này không chỉ làm sâu sắc thêm sự hội nhập vào hệ thống quốc tế mà còn đem đến cơ hội thúc đẩy hơn nữa quyền con người trong khu vực…
Chính khách, lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế ghi nhận với hiện thực khách quan như vậy, thế mà những tổ chức, cá nhân chống phá Việt Nam vẫn tảng lờ, kiểu không nghe, không biết, không thấy. Những kẻ giảo hoạt này đã dùng thủ đoạn gì để rêu rao và hành động trái khoáy, phớt lờ sự thật như vậy?
(Còn nữa)
Theo Đăng Minh/cand.com.vn
https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-ke-giao-hoat-va-la-bai-nhan-quyen-i678867/