Cập nhật: 27/12/2022 09:19:00
Xem cỡ chữ

Với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới, đến nay kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có đã có những bước phát triển tích cực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 290 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 55 hợp tác xã so với thời điểm 31/12/2019. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã là hơn 1 tỷ đồng/năm, tăng 14% so với năm 2019; lợi nhuận bình quân của một hợp tác xã ước đạt 200 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động của hợp tác xã đạt 30 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá, các hợp tác xã nông nghiệp bước đầu đã được sắp xếp lại về quy mô, lĩnh vực hoạt động, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và hoạt động ngày càng có hiệu quả; công tác tổ chức quản lý từng bước được củng cố và đã dần hạn chế tình trạng tồn tại theo hình thức; một số hợp tác xã nông nghiệp sau khi chuyển đổi hoặc được thành lập mới đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vĩnh Phúc phấn đấu từ nay đến năm 2025, mỗi năm thành lập mới từ 20 hợp tác xã. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động khá tốt từ 60% trở lên. Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã đạt khoảng 85 triệu đồng/người/năm./.

Lưu Trường