Cập nhật: 04/01/2023 08:22:00
Xem cỡ chữ

Người dân miền Tây sông nước không ai xa lạ với việc dỡ chà (những nhánh cây khô được cắm xuống lòng sông để thu hút tôm, cá vào ở) bắt cá. Thế nhưng với du khách, đó sẽ là ấn tượng khó quên khi khám phá nét văn hóa độc đáo này của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh

Du khách chứng kiến tận mắt việc thu hoạch tôm cá sau khi dỡ chà.

Từ nét văn hóa độc đáo miền Tây...

Khi nhắc đến dỡ chà, hầu như người dân miền Tây nào cũng biết hoặc từng nghe nói đến. Thế nhưng không phải ai cũng chứng kiến tận mắt hoặc trực tiếp tham gia vào việc dỡ chà bắt các loại đặc sản miền sông nước và thưởng thức chúng ngay khi vừa mới bắt lên. Việc dỡ chà bắt cá không chỉ cuốn hút đông đảo du khách thập phương mà còn ngay cả chính với những người dân miền Tây, đặc biệt là giới trẻ.

Từ xa xưa, người dân vùng sông nước miền Tây Nam bộ đã biết tận dụng những nhánh hoặc thân cây khô cắm xuống sông thành những đám chà lớn để dụ tôm cá về sinh sống. Người ta thường cắm chà nơi nước sâu nhưng yên tĩnh, không có xoáy và thường là ở bãi đất bồi ra sông, ở đầu vàm sông hay ở ngã ba hoặc ngã tư sông... Những bãi chà này rất dễ được nhìn thấy ở khắp các con sông và nhiều nhất trên các con sông lớn như Tiền và sông Hậu.

Chú thích ảnh

Du khách cũng có thể tham gia thu hoạch tôm cá khi dỡ chà.

Để tạo "nhà" cho tôm cá, trước tiên phải cắm xuống đáy sông những cây chịu nước như tre, so đũa, tầm vông... dài khoảng 5 - 7m và buộc chặt với những cây đặt nằm ngang, tạo một diện tích mặt nước hình chữ nhật. Phía dưới đáy có lưới lót để tôm cá không thoát ra được khi dỡ chà.

Tiếp đến, người ta chất vào bên trong đống chà này những tấm ván khô, gốc cây, đoạn cây to ở phần dưới đáy; rồi chất tiếp những nhánh chà bằng các loại cây nhãn, chôm chôm, me nước, gáo, xoài, tre… lên trên. Khi chất chà xong, để dẫn dụ tôm cá, người ta thường thả nhiều loại mồi khác nhau (tấm, cám rang, đầu cá nấu, xác mắm...) rồi sau đó tiếp tục thả lục bình để tạo bóng mát cho các loại thủy sản trú ngụ.

Theo người dân, muốn dỡ chà thì phải chọn ngày và chọn con nước, thường vào lúc nước ròng để dễ bắt cá. Thời điểm tốt nhất đó là giữa trưa, khi mà gió sông Hậu hay sông Tiền thổi lồng lộng. Gió chướng về là mùa chà khởi đầu và kết thúc khi mùa mưa đến, đặc biệt nhộn nhịp nhất là khoảng tháng 11 và tháng Chạp hàng năm.

"Chiến lợi phẩm" từ việc dỡ chà là các loại tôm cá đặc sản nước ngọt như cá ngát, cá lăng, cá chạch lấu, cá sát, cá mè, cá cóc, cá bông lau hay tôm càng xanh, tôm đất cùng nhiều loại khác. 

…đến thành tour du lịch độc đáo

Chú thích ảnh

Thu hoạch tôm cá trong tour "Dỡ chà Cao Lãnh".

Việc dựng chà và dỡ chà hiện nay không chỉ đơn thuần là một nghề mưu sinh của người dân miền Tây sông nước mà còn được người dân và chính quyền nhiều địa phương nỗ lực gìn giữ, phát huy để tạo thành sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch. Việc làm này không chỉ bảo tồn nét văn hóa cộng đồng mà còn tạo sinh kế và nâng cao đời sống vật chất của người dân; đồng thời góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương.

Mới đây, Công ty cổ phần Mỹ Phước Thành Du lịch Đồng Tháp cùng đã giới thiệu tour trải nghiệm “Về Tân Thuận Tây dỡ chà đãi bạn, tham quan mô hình Hội quán” với mong muốn làm đa dạng và phong phú sản phẩm lữ hành địa phương trên nền tảng phát huy giá trị văn hoá nhân văn, giá trị cảnh quan đặc hữu của tỉnh Đồng Tháp; đồng thời, xây dựng chuỗi dịch vụ cung ứng du lịch thân thiện và tăng cường kết nối với các hộ nông dân, điểm, khu du lịch… với nhau.

Chú thích ảnh

Du khách thưởng thức các "chiến lợi phẩm" sau khi dỡ chà ngay trên tàu du lịch trên sông Tiền.

“Hiện công ty đang sở hữu và khai thác khoảng 30 đống chà, giúp công ty có thể khai thác tour dỡ chà mỗi ngày. Thông qua mô hình tour du lịch “Dỡ chà Cao Lãnh”, công ty muốn góp phần bảo tồn, tái hiện lại nét văn hóa truyền thống này của miền Tây sông nước. Việc tái hiện lại một cách sống động và chân thật về công việc mưu sinh của cha ông kỳ vọng sẽ là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách đến với Đồng Tháp”, ông Trương Quang Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ Phước Thành Du lịch Đồng Tháp cho biết.

"Dỡ chà là một hoạt động có từ lâu đời và quen thuộc với người dân vùng sông nước miền Tây. Thế nhưng, ý tưởng lấy sinh hoạt lao động này và xây dựng thành sản phẩm trải nghiệm du lịch cho du khách một cách bài bản, có quy trình chặt chẽ để đảm bảo tính bền vững cho sản phẩm lữ hành thì đây là lần đầu. Theo đó, tour "Dỡ chà Cao Lãnh" mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách như học cách nhận biết các loại cá, cùng nhau thả lại môi trường những loại cá tôm nhỏ… Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức các câu hò Đồng Tháp, tham gia không khí sôi nổi với các trò chơi dân gian, ẩm thực đặc sản mà ai cũng có nhiều ký ức tuổi thơ của mình, hay đi chợ quê Cù lao khi đêm về và ghé thăm các vườn xoài trĩu quả”, bà Nguyễn Thúy Phượng, Viện trưởng Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong, chuyên gia nghiên cứu văn hóa và du lịch chia sẻ.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Phượng, tour du lịch của Công ty cổ phần Mỹ Phước Thành Du lịch Đồng Tháp đã tạo một bước đột phá trong việc làm mới các sản phẩm lữ hành vốn đã quá quen thuộc hơn 10 năm nay tại tỉnh Đồng Tháp; mở ra một hướng tiếp cận mới trong việc liên kết giữa quản lý nhà nước, doanh nghiệp địa phương, chuyên gia tư vấn và người dân trong nghiên cứu, phát triển, hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ du lịch đặc thù của địa phương gắn với quảng bá hình ảnh, thương hiệu của vùng đất Sen Hồng.

Theo Bài và ảnh: Tấn Đạt/baotintuc.vn

https://baotintuc.vn/du-lich/thu-vi-voi-tour-ve-mien-tay-xem-do-cha-bat-ca-20221215153625575.htm