Cập nhật: 11/01/2023 09:10:00
Xem cỡ chữ

Đền thờ vua Mai Hắc Đế (Nam Đàn, Nghệ An) là một trong 5 cụm di tích được xếp hạng vào danh sách Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

Khu di tích lịch sử vua Mai Hắc Đế thuộc địa phận huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1996. Ngày 29.12.2022, Đền thờ vua Mai Hắc Đế thuộc khu di tích đã được trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan (670-723), sinh tại thôn Ngọc Trừng, Hoan Châu, nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An. Năm 713, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, chống lại sự chiếm đóng của nhà Đường ở phía Bắc, lập nên nước Vạn An (712-722).

 

Đền thờ vua Mai Hắc Đế vừa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. 

Sau khi ông qua đời, người dân lập đền thờ ông trên núi Vệ Sơn, thung lũng Hùng Sơn. Ngày nay, khu di tích tưởng niệm Mai Hắc Đế nằm ở trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Trước kia, đền thờ vua Mai là một ngôi đền nhỏ với kiến trúc đơn giản được người dân xây dựng. Đến năm Minh Mạng thứ 2, nơi đây được trùng tu, xây mới khang trang hơn. 

Quang cảnh cổ kính phía trong đền thờ.

Quang cảnh cổ kính phía trong đền thờ.

Đầu thời nhà Nguyễn, đền thờ được mở rộng ra diện tích 10.000 m2. Khu di tích tiếp tục được trùng tu vào năm 2005 với bố cục gồm 3 phần: Thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sĩ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng công đồng và lưu giữ những cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối.

Cổng vào đền thờ vua Mai Hắc Đế gồm 6 trụ to lớn, vững chắc nhưng chỉ có một lối vào duy nhất. Trên chóp hai trụ chính có tượng kỳ lân, còn lại các trụ khác gắn búp sen. Xung quanh đền thờ có tường bao quanh, trang trí bởi các bức tượng quan võ đeo kiếm, ngựa hồng, tượng quan văn cầm quyển thư, ngựa bạch.

Đền thờ trải qua nhiều lần trùng tu, cải tạo.

Tổng thể đền thờ mang dáng vẻ cổ kính, uy nghi. Cách đó khoảng 3km về phía Tây là khu mộ vua Mai, được xây dựng ngay trên khu đất an táng hài cốt Mai Hắc Đế.

Vua Mai Hắc Đến qua đời năm 723 tại thung lũng núi Đụn, tầm nhìn thẳng ra sông Lam. Sau khi hạ mộ và dựng miếu bên trên, khu mộ tiếp tục được tôn tạo qua thời gian với dáng vẻ bề thế, trang nghiêm.

 

 Lăng Mai Hắc Đế.

Năm 2015, tại khu di tích đền thờ vua Mai Hắc Đế tìm thấy nhiều di vật như tượng uyên ương, tượng đầu rồng, tay rồng, lá đề... Ngoài ra, người ta còn phát hiện được các mảnh tượng tháp làm bằng đất nung loại nhỏ 5 tầng, cao trung bình khoảng 30-40 cm.

Lăng mộ mẹ vua Mai Hắc Đế nằm ở múi Giẻ, thuộc làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái. Ngôi mộ này cũng đã được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên được vị trí nơi hài cốt của bà được an táng cách đây hơn 1.300 năm.

Đền thờ được nhiều người dân, du khách tới tham quan, dâng hương lễ bái.

Đền thờ được nhiều người dân, du khách tới tham quan, dâng hương lễ bái.

Để tưởng nhớ công ơn vua Mai Hắc Đế, hàng năm, người dân địa phương vẫn tổ chức Lễ hội Vua Mai với nhiều nghi thức độc đáo như lễ rước nước, lễ yết cáo, các trò chơi dân gian... Lễ hội thu hút lượng lớn người dân và khách du lịch thập phương tới tham quan, bái lễ.        

Theo CHÍ LONG (ẢNH: DU LỊCH NGHỆ AN)/laodong.vn

https://dulich.laodong.vn/kham-pha/kham-pha-den-tho-vua-mai-hac-de-vua-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-1135548.html