Tục dựng nêu hay còn gọi là lễ “Thượng tiêu” là nghi thức được thực hiện vào dịp Tết Nguyên đán từ lâu, và đã trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo, một phong tục truyền thống tốt đẹp và phổ biến khắp nước ta.
Cảnh dựng nêu ở đình làng
Tục “dựng nêu” xuất phát từ truyện Sự tích cây nêu ngày Tết trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, đại ý kể rằng: Thời thượng cổ quỷ lộng hành chèn ép con người, hằng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy. Bụt thương người dân cơ cực nên thỏa thuận với chúa quỷ mua lại một miếng đất rộng bằng bóng chiếc áo cà sa để con người nương thân, quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại sẽ thuộc về chúa quỷ, chúa quỷ đồng ý. Bụt bảo người treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây tre và dùng phép thần thông cho bóng chiếc áo phủ lên khắp mặt đất khiến bọn quỷ dữ phải chạy ra ngoài Biển Đông. Nhưng hằng năm mỗi dịp Tết đến, chúa quỷ được trở vào đất liền. Vì vậy, con người dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, về sau miếng vải đổi thành lá bùa màu đỏ để tránh bị quỷ dữ quấy nhiễu vào những ngày đầu năm mới.
Nguồn gốc tục dựng nêu
Dưới thời Nguyễn, lễ Thượng tiêu (dựng nêu) được coi là một nghi lễ quan trọng nằm trong những lễ tiết chính yếu do vua đích thân hành lễ: “Theo lệ một năm có 5 lễ hưởng (Xuân hưởng, Hạ hưởng, Thu hưởng, Đông hưởng và Hợp hưởng) cùng với tiết Nguyên đán, Đoan dương, Thượng tiêu đều do Hoàng thượng đích thân đến Thái miếu, Thế miếu làm lễ”. Qua đó, thấy được tầm quan trọng của tục “dựng nêu” trong đời sống tín ngưỡng đương thời. Trong sách Gia định thành thông chí, khi chép về các tục lệ của vùng đất phương Nam có ghi rằng: “Ngày Trừ tịch ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu. Việc này không thể khảo cứu nguyên do được”, “Đến này mùng 7 Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu. Trong mấy ngày Tết phàm các khoản nợ nần đều không được hỏi, đợi ngày hạ xong cây nêu rồi mới được đòi”.
Tại Vĩnh Long, lễ “dựng nêu” diễn ra không đồng nhất về thời gian, thường được tổ chức sau khi đưa hoặc rước Táo quân trong bản gia, tiễn hoặc rước chư thiên tại nơi thờ tự của làng hoặc đêm trừ tịch, rơi vào một trong ba ngày: 23, 25 và ngày cuối cùng của tháng Chạp. Từ xưa các đình, chùa, lăng, miếu tại cù lao Dài như: Đình Thái Bình, Thanh Khê, Phú Thới, Thanh Lương; miếu Vạn Cổ, Thanh Hòa, Thái Hòa, Phước Hòa, Thần Nông; lăng Ông Nam Hải, chùa Vạn Cổ, chùa Linh Phước,… đều làm lễ tiễn chư Phật, chư Bồ tát, các vị Thần Thánh (thần Thành hoàng) và Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, lấy ngày này làm ngày dựng nêu, sớm hơn các địa phương khác trong tỉnh.
Phần lớn các đình, chùa, lăng, miếu ở Vĩnh Long đều làm lễ tiễn chư thiên vào buổi sáng ngày 25 tháng Chạp nhưng lại dựng nêu vào ngày cuối cùng của năm tức ngày 29 hoặc 30 Tết tùy từng năm. Chẳng hạn, miếu Công Thần, đình Long Thanh, đình Tân Hạnh,… dựng nêu vào buổi sáng; đình Bình Lộc, đình An Hương, đình Hiếu Phụng, chùa Quan Âm… dựng nêu vào buổi chiều tối, riêng đình Tân Giai vẫn giữ lệ dựng nêu vào ngày 25 tháng Chạp sau lễ đưa chư Thần. Đặc biệt, gia đình Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài trước kia làm lễ rước ông bà và dựng nêu vào ngày 28 tháng Chạp, vì đêm đó ngài phải lên ứng trực tại Châu Đốc vào sáng sớm ngày nguyên đán.
Đối với tư gia ở Vĩnh Long dựng vào buổi tối cuối cùng của năm trước lúc giao thừa. Bởi theo quan niệm dân gian, lúc giao thừa đêm trừ tịch là khoảng thời gian giao thoa giữa năm cũ và năm mới, Chúa Đông (ma quỷ) lộng hành.
Chuẩn bị cho việc dựng nêu
Ý nghĩa tục dựng nêu
Nguyên vật liệu dựng nêu gồm Cây nêu, bùa nêu và ba lá trầu không vệt vôi và ba trái cau tầm vung. Trong đó, cây nêu là một cây tre xanh tốt, cao, thẳng, còn gốc rễ và không bị cụt đọt, phải được chọn lựa kỹ càng, róc sạch nhánh tre từ dưới lên trên chừa lại vài nhánh trên ngọn. Phần nhánh ở đầu ngọn tre thường chừa lại ba nhánh tượng trưng cho thiên địa nhân, hay chín nhánh tượng trưng cho sự trường tồn cường thịnh phát đạt.
Sở dĩ, tre được chọn làm cây nêu bởi ở đâu tre cũng sống được là hình ảnh quen thuộc của những làng quê trải dài khắp đất nước, tre mang tính cách kiên cường gắn liền với công cuộc giữ nước chống giặc, tre mang tính kế thừa “tre già măng mọc”, tre rỗng ruột nhưng bẻ không gãy tượng trưng cho tính can trường, tre có lòng có tiết tượng trưng cho sự mực thước, tre càng cao thì ngọn càng cúi đầu xuống, thể hiện sự khiêm cung. Bùa nêu ở Vĩnh Long trước đây là một tấm vỉ đan gồm bốn nan dọc, năm nan ngang được bện bằng rơm hay đan bằng tre, sậy… Ba lá trầu không vệt vôi và ba trái cau tầm vung, mang ý nghĩa: Trầu - cau - vôi là văn hóa từ thời Hùng Vương. Trong vị thuốc Đông y thì vỏ cau tầm vung được gọi là “Đại Phúc bì”, mượn âm “Đại phúc” để cầu mong về phước lớn mà trời đất ban cho trong năm mới. Ngoài ra còn một số nơi người ta còn treo thêm mấy tờ giấy vàng bạc (?).
Đình, miếu, lăng,... ở Vĩnh Long, trước khi dựng nêu phải cúng nhang, đèn, bánh nước tất cả các ban thờ. Đối với tư gia dựng nêu sau khi rước ông Táo, thường vào buổi xế chiều ngày cuối năm mọi người bày một mâm cơm tươm tất để rước ông bà. Sau đó cả nhà cùng quây quần ăn uống gọi là bữa cơm tất niên. Tối đến chủ nhà bày mấy chén chè làm lễ rước ông Táo và các vị gia thần gần đến giao thừa thì dựng nêu.
Lễ cúng hạ nêu tại đình Tân Giai , phường 3, TP Vĩnh Long
Đến chiều ngày mùng 7 Tết, đình, chùa, lăng, miếu và nhà dân đều làm lễ hạ nêu. Theo tục lệ xưa, khi làm lễ người ta phải lập bàn hương án dưới gốc nêu, dâng cúng hương hoa và mấy miếng dưa hấu. Sau đó mấy đứa trẻ rung cho rụng hết đám lá tre khô trên ngọn rồi từ từ hạ xuống, gỡ lấy xâu bùa nêu đem treo ngay trên cửa cái, ít nhất trong khoảng thời gian một năm. Sau khi hạ nêu xong dùng con dao bén, chặt một dao đứt lìa đọt tre, rồi đem tống ngọn tre xuống sông gọi là “phạt mộc”. Ở Vĩnh Long xưa tổ tiên ăn Tết trong 3 ngày, mọi người vui xuân trong 7 ngày, trong mấy ngày này không được ra thăm đồng, đào đất, chặt cây, thu hoạch,… nếu làm trước ngày hạ nêu sẽ bị bắt phạt. Tại làng Hiếu Phụng nếu người dân làm những việc trên trước ngày mùng 7 Tết sẽ bị phạt một đĩa xôi và một con gà luộc khi đến lệ cúng đình phải mang dâng lên cho Thần.
Cây nêu được dựng lên ở tư gia nhằm xua đuổi tà ma, dựng lên ở đình, miếu là sự mong cầu và ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. Cây nêu trở thành biểu tượng cho ngày Tết, dựng nêu và hạ nêu là mốc bắt đầu và kết thúc của Tết. Việc dựng nêu thể hiện sự dung hòa khéo léo giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa. Cây nêu ngày Tết của dân tộc Việt Nam thể hiện ý thức về chủ quyền lãnh thổ, khẳng định địa vực cư trú của một cộng đồng. Cây nêu còn gọi là cây vũ trụ mang yếu tố âm dương, thể hiện sự cầu mong của con người đối với đất trời. Khi dựng nêu và hạ nêu cần có sự chung tay góp sức của các thành viên trong gia đình, nhiều người trong xóm ấp đối với cây nêu ở đình, lăng, miếu,… là hoạt động thể hiện sự sức mạnh đoàn kết của mọi người trước thềm năm mới.
Theo những người cao tuổi ở Vĩnh Long thì trước năm 1945 tục dựng nêu còn phổ biến. Trong giai đoạn chiến tranh vì tình hình an ninh, ít ai dám dựng nêu cúng kiếng lúc giữa đêm khuya, nên tục lệ này dần dần bị mai một, nhiều gia đình ở thôn quê Vĩnh Long giữ và thực hiện lễ “dựng nêu” nhưng thực tế chỉ “treo xâu bùa nêu” lên cây cói trước sân nhà vào lúc giao thừa. Tuy nhiên những năm gần đây, các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang dần được phục hồi, cây nêu cũng được dựng lên tại các đình, chùa, lăng, khu du lịch, các trung tâm văn hóa,... còn treo lên cây nêu câu đối, dây pháo trang trí, những lời chúc, lời cầu mong tốt đẹp tạo nên một không khí Tết mang tính biểu tượng. Qua đó, thể hiện những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam luôn vận động, thích nghi và có một sức sống mãnh liệt trong một xã hội phát triển.
Theo TÀO PHÚ VINH/baovanhoa.vn
http://baovanhoa.vn/van-hoa/%C4%91oi-song-van-hoa/artmid/570/articleid/60475/tuc-dung-neu-ngay-tet-o-vinh-long