Cập nhật: 16/01/2023 16:32:00
Xem cỡ chữ

Lễ hội Gầu tào là một trong những lễ hội cổ truyền độc đáo, mang đậm bản sắc của đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Lễ hội ngày nay vẫn giữ được những nét văn hóa từ xa xưa và thu hút đông đảo người dân tham gia.

Lễ hội Gầu tào (Tiếng Mông: GrâuK Taox) là một trong những sinh hoạt văn hoá cổ truyền, được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Hiện nay, ở nhiều địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lao Châu, Sơn La...đồng bào gìn giữ và phát huy được bản sắc lễ hội Gầu tào, tổ chức vào dịp đầu xuân mới.

Lễ hội Gầu tào được đồng bào Mông tổ chức tại bãi đất bằng phẳng trên mỏm núi (Ảnh: Thế Lượng) 

Theo quan niệm của đồng bào Mông vùng Tây Bắc, những gia đình nào ít con, không sinh được con, sinh con một bề, sinh con hay bị bệnh tật hoặc làm ăn không tốt, không may mắn sẽ đến hội Gầu tào, cúng xin thần linh, trời đất ban cho con cái, ban cho sức khỏe và may mắn để làm ăn. Khi đã hoàn thành được tâm nguyện, các gia đình tùy vào điều kiện của từng nhà năm sau sẽ tổ chức lễ hội Gầu tào để tạ ơn trời đất, thần linh.  

Xuất phát từ tập quán xa xưa, lễ hội Gầu tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau có hoàn cảnh ít con, không sinh được con, sinh con một bề hoặc làm ăn không may mắn phối hợp với nhau tổ chức. Những người tổ chức chọn một mỏm đất cao và bằng phẳng ở đầu bản (gọi là Hâur taox, đồi hội), dựng khán đài để tổ chức các hoạt động truyền thống như: ca hát, đẩy gậy, đánh quay. Đồi Gầu tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu đón được ánh nắng mặt trời.  

Khi bước vào hội Gầu tào, các gia chủ phải tiến hành mời chủ lễ (Txir Taox) giúp các gia đình làm lễ, cùng một người phụ nữ (Nav taox) giúp việc. Những người này đều phải từ các gia đình khỏe mạnh, lương thiện, có kinh tế khá giả. Ngoài ra cần có hai thanh niên (nam, nữ) giúp chủ lễ khi hành lễ (Tuz taox, Nxeik Taox). Trong công tác chuẩn bị, các gia đình mời thầy tiến hành các nghi lễ rất tỉ mỉ và trang trọng như lễ đi tìm cây nêu (nxar), lễ chặt cây nêu (txêir ndêx nxêz), lễ vác cây nêu (Cưr ndêx nxêz).

Đồng bào dân tộc Mông nô nức xuống núi xem hội Gầu Tào (Ảnh: Thế Lượng) 

Thầy cúng buộc lên ngọn cây nêu hai mảnh vải lanh: một mảnh màu đen (tượng trưng cho sự tập hợp lực lượng), một mảnh màu đỏ (tượng trưng cho lời mời tổ tiên về dự hội); một bầu rượu; ba bông lúa nếp (tài lộc); một túm cây họ dương xỉ (sinh sôi, nảy nở). Lễ cúng cây nêu diễn ra trong buổi sáng, lễ vật gồm gà, rượu, cơm. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền vàng, đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài hẹn ngày (tịnh chay) cúng báo thần linh về việc các gia đình sẽ làm lễ tạ ơn như đã hứa ở năm trước. Sau đó, mọi người cùng thụ lộc ngay dưới gốc cây nêu.

Chiều ngày thứ ba của lễ Gầu tào, thầy cúng sẽ làm nghi lễ hạ cây nêu. Thầy cúng cầm cây ô cùng mọi người đi ngược chiều kim đồng hồ, hát bài hạ cây nêu. Sau đó, hạ cây nêu, vác cây nêu về, làm thủ tục ban cây nêu cho các gia đình. Gốc cây nêu được dùng để làm giát giường cho đôi vợ chồng, còn mảnh vải lanh thì dùng để may quần áo cho đứa trẻ mới sinh để mong cho hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh. Phần còn lại cây nêu được gia chủ treo lên hiên sau nhà để mưa không ướt, nắng không tới, treo đến bao giờ tự mục thì thôi. Theo quan niệm của người Mông, càng cất cây nêu kỹ thì càng có nhiều tài lộc, gia đình hạnh phúc, con cái không ốm đau, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Múa sinh tiền trong lễ hội Gầu tào (Ảnh: Thế Lượng)

Theo ông Lý Chiến Sách, dân tộc Mông, trưởng bản Tổng Kim, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên, Lào Cai), Lễ hội Gầu tào là một trong những lễ hội cổ truyền độc đáo, mang đậm bản sắc của đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Lễ hội ngày nay vẫn giữ được những nét văn hóa từ xa xưa và thu hút đông đảo người dân tham gia. Vào dịp Tết đến xuân về, trong không khí ấm áp, đồng bào Mông nô nức đi trẩy hội Gầu tào, khắp không gian rực rỡ sắc màu thổ cẩm, tiếng nói cười, tiếng hát, tiếng khèn.

Ông Lý Chiến Sách cũng nhấn mạnh, không khí và sắc màu văn hoá của lễ hội Gầu tào cũng là điểm nhấn trong hoạt động sinh hoạt văn hoá đầu xuân vùng Tây Bắc, là không gian độc đáo để du khách mọi miền đến trải nghiệm về văn hoá tết của đồng bào Mông.

 Lễ hội Gầu tào gắn với quan niệm nhân sinh của đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Đó là mong ước được khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội này cần được gìn giữ bản sắc và phát huy những giá trị nhân văn trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông nơi đây.

Theo Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng/dangcongsan.vn

https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/doc-dao-le-hoi-gau-tao-cua-dong-bao-mong-tay-bac-630034.html