Cập nhật: 17/01/2023 07:22:00
Xem cỡ chữ

Nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức đối với ba lễ hội từng là “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Lễ hội Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương), lễ hội “Đả cầu cướp phết” (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch) và lễ hội chọi trâu Hải Lựu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đề nghị UBND các xã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội, trong đó đưa ra giải pháp đổi mới nhằm khắc phục, hạn chế phát sinh, bất cập; chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội.

 Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc

 Nhiều năm trước, đã có những thời điểm các lễ hội này đều là “điểm nóng”, đặt ra nhiều vấn đề khiến chính quyền địa phương và cơ quan quản lý lúng túng, loay hoay tìm giải pháp khắc phục.

Tôn vinh yếu tố văn hóa truyền thống

Kịch bản tổ chức lễ hội Đúc Bụt do UBND xã Đồng Tĩnh xây dựng cho biết, hiện nay việc tổ chức lễ hội chỉ căn cứ vào trí nhớ của các cụ cao tuổi và những lần tổ chức trong năm trước đó. Những năm qua, việc tổ chức lễ hội Đúc Bụt chưa có trình tự, khuôn mẫu rõ ràng, làm giảm đi giá trị và ý nghĩa của lễ hội; du khách dự hội không biết di tích thờ ai, lễ hội gồm mấy phần, các tích trò có tên gọi là gì, ý nghĩa ra sao… Từ đó tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ bị giảm đi, làm cho yếu tố nguyên gốc của lễ hội bị lệch chuẩn và mai một.

Đúc Bụt là tên gọi để chỉ một tích trò tượng trưng cho quá trình đúc tượng Phật bằng đồng để thờ tại chùa Thái Bằng (nằm chung khuôn viên với ngôi Đền Đức Bà). Lễ hội diễn ra tại Phù Liễn gồm có nhiều tích trò. Tuy nhiên tích trò Đúc Bụt là tiêu biểu và đáng chú ý nhất nên dân gian gọi tên Lễ hội là Đúc Bụt. Tuy nhiên, đã có những hình ảnh không đẹp xuất hiện khiến lễ hội ít nhiều giảm đi những nét đẹp văn hóa truyền thống. Vì vậy, theo UBND xã Đồng Tĩnh, việc xây dựng kịch bản Lễ hội Đúc Bụt có ý nghĩa quan trọng, xác định lại các yếu tố nguyên gốc của lễ hội và lưu giữ lại cho các thế hệ sau. Đồng thời, làm căn cứ cho việc tổ chức lễ hội hằng năm của làng Phù Liễn được chuẩn xác, đúng quy định, quảng bá và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, từng bước xây dựng di tích Phù Liễn gắn với Lễ hội Đúc Bụt thành một điểm du lịch tâm linh cho du khách thập phương.

Nhằm khắc phục những bất cập, UBND xã Đồng Tĩnh xây dựng chi tiết phương án thay đổi tổ chức lễ hội. Lễ hội Đúc Bụt diễn ra 3 ngày, trong đó chính hội vào ngày 8 tháng Giêng. Bên cạnh các yếu tố truyền thống được chú trọng, nghi thức “tản chiếu phát lộc” vốn là xuất phát điểm dẫn đến những hình ảnh không đẹp trước đây, sau nhiều điều chỉnh, năm 2023, BTC lễ hội quyết định sử dụng phương án chuyển việc này sang ngày hôm sau (mùng 9 tháng Giêng), phát lộc cho những người đi lễ có nhu cầu xin lộc tại Đền. Sau khi thực hiện các nghi lễ truyền thống trong ngày chính hội, BTC lễ hội sẽ chuyển chiếu vào bên trong hậu cung, đền tiếp tục làm lễ; buổi chiều BTC sẽ gỡ chiếu thành từng sợi, đưa vào bao bì lộc được thiết kế đẹp mắt, trang trọng với lời chúc “Phúc - Lộc - Thọ”.

Lễ hội “Đả cầu cướp phết” xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cũng được xây dựng kịch bản hướng đến mục tiêu khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống. Kịch bản lễ hội được xây dựng một cách chi tiết, hệ thống hóa các trình tự, từ khâu chuẩn bị cơ sở vật chất, con người đến quá trình diễn ra trong lễ hội. Theo UBND xã Bàn Giản, lễ hội “Đả cầu cướp phết” xây dựng có tính thực thi, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Lễ hội diễn ra từ mùng 6 đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch tại đình Cả, thôn Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch. Kịch bản “lên khung” nhiều nội dung chi tiết: Công tác chuẩn bị, tổ chức lễ hội (phần lễ và phần hội)… Dự thảo kịch bản nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng phải bảo đảm ý nghĩa lịch sử, truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc; đảm bảo những yếu tố gốc, khôi phục và phát huy truyền thống giá trị lịch sử, tạo được mối quan hệ cấu kết cộng đồng làng xã, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc…

Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu (huyện Sông Lô) cũng là một trong những lễ hội có sức lan tỏa mạnh mẽ, có từ rất lâu đời. Đây cũng là một trong ba lễ hội được tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức, qua đó nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống. Theo kịch bản, lễ hội trọi trâu Hải Lựu được tổ chức với nguyên tắc tôn trọng, bảo lưu đầy đủ, kế thừa và phát triển có chọn lọc các yếu tố gốc, đặc trưng, các sắc thái văn hóa của lễ hội chọi trâu Hải Lựu truyền thống. Nội dung kịch bản lễ hội được thể hiện qua các phần chính là: Nghi thức trình trâu, nghi thức tế lễ (tế thánh), và diễn trình hội chọi trâu. Bên cạnh yêu cầu phát huy các yếu tố truyền thống, lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu cũng lên phương án chặt chẽ nhằm khắc phục những bất cập nảy sinh, việc xây dựng kịch bản được yêu cầu phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, có tính khoa học, ổn định và phải được áp dụng vào các lễ hội trong các năm tiếp theo.

 Những hình ảnh từng tạo thành điểm nóng tại lễ hội Đúc Bụt trước đây

Tránh hiện tượng phản cảm trong lễ hội

Về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị tăng cường hiệu quả công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, tránh hiện tượng gây phản cảm; đồng thời đề nghị UBND các huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn có lễ hội trên địa bàn khẩn trương hoàn thiện kịch bản đổi mới hình thức tổ chức để khắc phục một số tồn tại, hạn chế, xin ý kiến Cục Văn hóa cơ sở trước khi phê duyệt.

Cho ý kiến về dự thảo kịch bản các lễ hội này, Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, đề nghị UBND các xã Đồng Tĩnh, Bàn Giản, Hải Lựu trong kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội cần đánh giá những hạn chế, nguyên nhân của công tác quản lý, tổ chức lễ hội thời gian qua, đồng thời đưa ra những giải pháp đổi mới nhằm khắc phục, hạn chế phát sinh, bất cập trong thời gian tới; chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho những người tham gia lễ hội. Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đến 03 lễ hội nêu trên theo đúng kế hoạch và kịch bản sau khi được chỉnh sửa, bổ sung. UBND xã Đồng Tĩnh, xã Bàn Giản, xã Hải Lựu tổ chức các lễ hội năm 2023 chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội theo sự phân cấp của Chính phủ quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

Đặc biệt, Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, cần xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh, đặc biệt là kiểm soát của trọng tài với các đội khi diễn ra các hoạt động thi đấu trong lễ hội. Quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia đánh phết, chọi trâu và người tham gia lễ hội; có biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự phải yêu cầu dừng việc tổ chức, ổn định trật tự mới được tiếp tục.

“Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng và công chúng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, kịp thời động viên, khen thưởng đối với các tổ chức cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho lễ hội…”, theo Cục Văn hóa cơ sở. 

Theo PHƯƠNG ANH/ baovanhoa.vn

http://baovanhoa.vn/van-hoa/%C4%91oi-song-van-hoa/artmid/570/articleid/60414/le-hoi-duc-but-da-cau-cuop-phet-choi-trau-hai-luu160nhung-diem-nong-da%e2%80%a6-%e2%80%9cha-nhiet%e2%80%9d