Cập nhật: 19/01/2023 08:20:00
Xem cỡ chữ

Cần chú ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng để đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết, tránh bị tăng cân, béo phì, rối loạn tiêu hóa và nặng thêm các bệnh mạn tính đang mắc phải.

1. Các yếu tố nguy cơ trong dinh dưỡng ngày tết

- Làm nặng thêm các bệnh mạn tính: Những món ăn ngày tết thường không thể thiếu dưa muối, hành muối và các thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, lạp sườn đều là những thực phẩm chứa nhiều muối. Bên cạnh đó, những món ăn ngày tết cũng thường được nêm nếm nhiều loại gia vị chứa muối như muối ăn, nước mắm, hạt nêm, bột canh… Khi trong bữa ăn tiêu thụ quá nhiều muối như vậy có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ miễn dịch, làm nặng thêm các bệnh mạn tính như tăng huyết áp…

Những bữa tiệc ngày tết thường sử dụng rất nhiều rượu, bia vượt quá ngưỡng cho phép nhiều lần, gây hại cho sức khỏe. 1g rượu (ethanol) cung cấp 7 kcal, nhưng không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào. Quá trình chuyển hóa rượu để sinh năng lượng cần các enzym xúc tác có nguồn gốc từ các vitamin nhóm B.

Vì vậy, với một lượng rượu lớn, cơ chế chuyển hóa ethanol thành năng lượng sẽ bị hạn chế, các chất chuyển hóa của rượu có khuynh hướng tổng hợp thành chất béo. Do đó, uống quá nhiều rượu, bia có thể làm nặng thêm các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, đột quỵ…

Dinh dưỡng ngày tết – Các yếu tố nguy cơ và cách khắc phục - Ảnh 1.

Đảm bảo sử dụng thực phẩm an toàn, phòng tránh ngộ độc.

- Tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, tăng đường huyết, thừa cân, béo phì: Tết là lúc mọi người nghỉ ngơi thoải mái nên chế độ ăn uống, sinh hoạt thường không điều độ, khoa học. Mọi người thường thức khuya, dậy muộn, ăn bỏ bữa, dồn bữa, điều này hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.

Bỏ bữa làm giảm lượng đường trong máu, tăng nguy cơ đề kháng insulin, đau dạ dày. Bên cạnh đó khi dồn bữa, bữa ăn đó thường sẽ ăn nhiều hơn, có xu hướng bù cho bữa ăn trước, làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, gây khó tiêu, làm tăng đường huyết đột ngột, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Rất nhiều bánh kẹo, mứt ngọt, nước ngọt...  được tiêu thụ trong những ngày này, dễ làm  tăng cân, béo phì, đầy bụng, ăn không tiêu và không tốt cho nhiều bệnh mạn tính như đái tháo thường, tăng huyết áp… Đối với trẻ em, ăn nhiều bánh kẹo làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, đồng thời một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.

- Nguy cơ ngộ độc thực phẩm: Thói quen của các gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết là tích trữ rất nhiều thực phẩm, đây là một thói quen không tốt cho sức khỏe. Việc tích trữ, bảo quản thực phẩm không đúng cách làm thực phẩm dễ bị hư hỏng, ôi thiu, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây hại phát triển, khi ăn vào làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, tích trữ nhiều thực phẩm trong thời gian dài khiến thực phẩm dễ bị biến chất, mùi vị thay đổi, không còn tươi mới làm giảm cảm giác ngon miệng. Việc tích trữ quá nhiều thực phẩm ngày Tết là không cần thiết, gây lãng phí và khiến bản thân ăn uống quá nhu cầu cần thiết của cơ thể, không tốt cho sức khỏe.

Dinh dưỡng ngày tết – Các yếu tố nguy cơ và cách khắc phục - Ảnh 3.

Bỏ bữa là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiêu hóa ngày tết.

2. Lời khuyên của thầy thuốc

Để tránh bị bỏ bữa hoặc dồn bữa trong dịp TếtMỗi gia đình nên cố gắng bố trí ăn đầy đủ các bữa ăn trong ngày, mỗi bữa chỉ nên ăn vừa đủ, không nên ăn quá nhiều, quá no để tránh gây quá tải cho hệ tiêu hóa.

Tránh nạp quá nhiều muối vào cơ thể trong các bữa ăn ngày Tết: Nên hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối. Nêm gia vị chứa muối ở mức độ vừa phải và chấm nhẹ tay, tránh cho món ăn trở nên quá mặn.

Sử dụng rượu, bia ở mức vừa phải, trong ngưỡng khuyến cáo: Nam không quá 2 đơn vị cồn/ngày, nữ không quá 1 đơn vị cồn/ngày (1 đơn vị cồn=1 chén rượu mạnh 30ml 40%= 330ml bia hơi= 3/4 lon/chai bia 5% = 1ly rượu vang 100ml 13,5%).

Các bữa ăn phải đầy đủ các chất dinh dưỡng: Đường, đạm, mỡ, chất xơ, khoáng chất, vitamin ở tỉ lệ cân đối, uống đủ nước. 

Chú ý lựa chọn những món ăn lành mạnh: Lựa chọn những món ít dầu mỡ, dưới dạng calo thấp, chế biến đơn giản như hấp, luộc. Hạn chế các món ăn chiên, rán, nhiều dầu mỡ...

Quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm: Khi chọn lựa, chế biến món hay chọn hàng quán để ăn cần quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Dinh dưỡng ngày tết – Các yếu tố nguy cơ và cách khắc phục - Ảnh 4.

Bổ sung rau xanh giúp cân bằng dinh dưỡng.

Để Tết vui vẻ, an toàn và đảm bảo sức khỏe chúng ta cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và gia đình. Đảm bảo ăn đầy đủ 3 bữa chính, ăn uống đa dạng thực phẩm, đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó, cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không tích trữ quá nhiều thực phẩm và ăn trong hạn sử dụng cho phép của thực phẩm.

BS. Phan Thị Hồng Diệu (Trường Đại học Y Hà Nội)/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/cac-yeu-to-nguy-co-tu-dinh-duong-ngay-tet-va-cach-khac-phuc-169230118101015889.htm