Đến với bản làng người Dao tại Cao Bằng dịp đầu xuân, du khách có dịp tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống độc đáo, hoặc lắng nghe câu hát páo dung của những người dân hiền hậu nơi đây để chúc nhau may mắn, tốt lành.
Xuân mới về trên các bản làng vùng cao với sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa mơ, hoa mận… Đặc biệt, tại các bản làng của dân tộc Dao Đỏ ở Cao Bằng, bà con nô nức chuẩn bị đón năm mới với những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống... Cứ đến dịp năm cũ sắp qua, năm mới cận kề, người Dao đỏ tỉnh Cao Bằng lại tất bật chuẩn bị cả vật chất, tinh thần đón Tết.
Từ ngày 20 tháng Chạp, nhà nhà lo sửa sang nhà cửa, vào rừng hoặc ra chợ kiếm lá dong, xay xát thóc nếp để gói bánh chưng, cất rượu Tết… Mỗi nhà sẽ chọn xem ngày đẹp trong 10 ngày còn lại cuối năm để đón thầy cúng tới làm lễ cúng bái và thông báo cho tổ tiên rằng năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới. Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn đến ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong năm cũ và tiếp tục phù hộ cho năm mới làm ăn phát đạt, tai qua nạn khỏi, học hành tiến tới, con cháu ngày một đông vui, hòa thuận.
Lễ này còn mang ý nghĩa đuổi trừ tà ma, tiễn mọi điều xấu rủi ro theo năm cũ, cầu cho mọi sự an lành, may mắn, thịnh vượng trong năm mới sẽ đến. Đồng thời, thầy cúng sẽ yểm bùa, viết chữ lên những mảnh giấy màu đỏ dán lên bàn thờ, cửa ra vào, chuồng trại gia súc cầu cho sức khỏe, mùa màng bội thu.
Đêm giao thừa, bàn thờ mỗi nhà đều có mâm lễ cúng tổ tiên, gồm một con gà trống thiến luộc, bánh chưng, hoa quả và rượu. Đúng thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, các thành viên trong gia đình sum họp quây quần bên bếp lửa, cầu chúc cho nhau mọi điều tốt lành, đẩy lùi mọi rủi ro qua đi cùng năm cũ. Sau đó, họ đốt giấy tiền, vàng mã, cầu mong một năm mới nhiều tài lộc, cuộc sống sung túc, làm ăn thuận hòa.
Thầy cúng Triệu Văn Cản, xã Minh Khai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Người Dao đỏ chúng tôi chuẩn bị đón Tết từ 25 – 26 tháng Chạp. Hiện nay, đời sống của bà con đã đầy đủ hơn, có giao lưu văn hoá với các dân tộc khác nhưng ngôn ngữ, trang phục, tập quán, nghi lễ và đặc biệt là phong tục ăn Tết vẫn còn lưu giữ được gần như đầy đủ các nghi thức. Thế hệ chúng tôi luôn vẫn luôn dạy bảo con cháu phải giữ gìn văn hoá truyền thống của dân tộc mình".
Ngày đầu năm mới còn là dịp để các bà con trên các bản Dao nơi đây gặp gỡ, trò chuyện. Chị em phụ nữ xúng xính trong bộ trang phục rực rỡ nổi bật là màu đỏ trên nền vải đen với những đường may, thêu cầu kỳ… Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Họ thường dùng vải nhuộm chàm để may trang phục. Mỗi bộ trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó màu đỏ là chủ đạo, vì theo quan niệm màu đỏ mang lại hạnh phúc và may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.
Với người Dao đỏ ở Cao Bằng, trang phục truyền thống được lưu giữ và bảo tồn như một biểu tượng của bản sắc văn hóa. Nam giới cũng chọn bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Họ ngồi quây quần trong nhà hát Páo Dung và chúc nhau những điều may mắn, tốt lành. Những câu hát Páo Dung ngân lên như mời, như gọi tạo nên một âm hưởng rất vùng cao, mộc mạc, giản dị mà đằm thắm, luyến lưu.
Phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc Dao đỏ phong phú, đặc sắc, nói lên cội nguồn văn hóa vùng cao đầy tính nhân văn, phản ánh cuộc sống mới sinh động và phát triển. Trên đường đổi mới cùng với các dân tộc anh em, người Dao đỏ đang vươn lên, cần cù lao động, sống đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến với miền non nước Cao Bằng dịp Tết đến, xuân về, du khách hãy dừng chân tại một bản làng của người Dao đỏ, tận hưởng thiên nhiên và trải nghiệm những giá trị văn hoá độc đáo này./.
Theo CTV Hồng An/VOV.VN
https://baoxuan.vov.vn/sac-mau-giai-tri/du-xuan-tren-ban-nguoi-dao-tai-cao-bang-784260.vov