Lễ đón vía hay còn gọi là “cướp vía” là nét văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời trong đời sống của đồng bào Dao đỏ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Nghi lễ này thường được tổ chức vào dịp cuối năm nhằm cầu sức khỏe, cầu bình an cho các thành viên trong gia đình.
Lễ đón vía, tiếng Dao gọi là Cháng Vuồn, tức là cướp vía. Nghi lễ này được đồng bào thực hiện khi trong nhà có người đau ốm, với mong muốn rằng sau khi làm lễ này gia đình sẽ bình an, cha mẹ, vợ chồng, con cái sẽ khỏe mạnh.
Thầy cúng báo cáo với gia tiên của gia chủ.
Người Dao Đỏ quan niệm, nam có 7 vía và nữ có 9 vía, nếu hồn vía bị thất lạc do tà ma bắt giữ thì con người sẽ không được khỏe mạnh và dễ gặp tai họa, do vậy phải làm lễ tìm và đón về. Để nghi lễ được linh nghiệm, trước hết người nhà phải nhờ thầy xem ngày, giờ đẹp rồi mới chuẩn bị lễ vật. Mâm lễ gồm con gà, chai rượu cúng, giấy cúng cùng nhiều vật dụng cần thiết. Sau đó gia chủ tìm và mời thầy cao tay, có đạo đức tốt, sống hòa thuận với bà con trong bản tới giúp.
“Trước tiên là báo cáo với gia tiên của gia chủ và mời tham gia công việc của hôm nay. Mời người thầy truyền nghề cho tôi đã quá cố cùng với gia tiên tiền tổ của tôi và đặc biệt là mời Thiên lôi trên thiên đình xuống. Đây là nghi lễ truyền thống của người Dao chúng tôi với mong muốn mọi sự tốt lành cho người già yếu, người bị đau ốm bệnh tật hay người già yếu” - Thầy cúng Triệu Sun Trìu, ở thôn Làng Hà, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nói.
Xong phần mở đầu, thầy cúng với sự giúp sức của cõi âm (sư phụ) tiếp cho sức mạnh để thực hiện công việc cướp vía. Theo tín ngưỡng của người Dao thì trên thiên đình có 6 vị Thiên lôi, trong đó có một vị chỉ đi bằng một chân và chính vị đó có sức mạnh vô song. Vì vậy chỉ có vị này mới có thể tìm thấy và giành lại hồn vía cho người bệnh đã bị tà ma bắt giấu đi.
Khi làm lễ, thầy cúng mô phỏng điệu đi của vị Thiên lôi có sức mạnh nhất với điệu nhảy lò cò và cầm những đồ dùng mà Thiên lôi mang theo để lần tìm hồn vía đã bị lưu lạc gồm có: Con dao và chiếc rìu tượng trưng cho tia sét soi rọi khắp nơi; cái chày giã gạo khi thúc lên, giã xuống sẽ kinh thiên động địa; cái nong dùng để quạt bay mọi vật; cái nia, tượng trưng cho hàng ngàn con mắt có thể nhìn thấu khắp muôn nơi.
Thầy cúng chuẩn bị máu từ mào gà trống to khỏe để tiếp sức cho phần hồn vía bị lưu lạc.
Trong lễ cướp vía không thể thiếu chiếc cầu được làm từ nhiều thanh gỗ được bắc qua để các vị trong đoàn đi tới nơi hồn vía bị thất lạc hoặc bị tà ma cất giấu. Lúc này các thành viên trong gia đình thắp đóm để soi tìm hồn vía. Khi những con nhện hoặc những sinh vật lạ xuất hiện chính là hiện thân của phần hồn vía đã được tìm thấy.
Sau khi đã tìm đủ số hồn vía sẽ được đón về và nhập vào người bị mất, để tránh nhầm lẫn giữa người bệnh được đánh dấu thập trên trán. Do phần hồn vía bị lưu lạc lâu ngày sẽ bị đói, yếu nên thầy cúng dùng gạo và máu từ mào của con gà trống to khỏe đuợc chuẩn bị sẵn trước đó tiếp sức.
“Lễ cướp vía của người Dao đỏ thường được thực hiện cho cả người già lẫn trẻ nhỏ khi có biểu hiện khác thường trong cuộc sống. Như hay ốm đau, gặp hoạn nạn hoặc tâm lý bất an trong cuộc sống. Làm lễ này cũng là thể hiện sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, đặc biệt là đối với người cao tuổi trong gia đình" - Anh Triệu Ồng Nhẫn, ở thôn Làng Hà, xã Xuân Dao, huyện Bảo Thắng cho biết.
Sau khi mọi thủ tụ được hoàn tất thì phần vàng mã sẽ được hoá để cảm tạ tới Thiên lôi, các đấng thần linh, tổ tiên của gia đình đã tới chứng giám, giúp sức cho việc tìm và giành lại vía. Từng phần vàng mã đuợc thầy cúng nói rõ khi hóa để gửi tới từng thành viên.
“Lễ cướp vía kéo dài hàng tiếng đồng hồ với nhiều phần việc khác nhau đuợc tiến hành thận trọng thì mới linh nghiệm. Để làm được, trước hết phải có sức khỏe tốt, cái thâm thanh tịnh… Đây là nét văn hóa độc đáo của người Dao Đỏ chúng tôi. Mỗi địa phương, mỗi thầy truyền dạy sẽ có phần khác nhau nhưng về ý nghĩa thì hoàn toàn giống nhau” - Thầy cúng Triệu Sun Trìu cho biết thêm:
Lễ cướp vía là một nghi lễ chứa đựng ý nghĩa nhân văn, với niềm mong ước tốt đẹp cho cuộc sống của đồng bào. Hiện nay, lễ cướp vía vẫn được đồng bào Dao đỏ ở Bảo Thắng, Lào Cai duy trì. Tuy nhiên, nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà trong thực hành nghi lễ đã được bà con bỏ đi và giữ lại những nét đẹp bản sắc văn hóa của nghi lễ này./.
Theo Chẻo Thu/VOV-Tây Bắc
https://vov.vn/van-hoa/le-cuop-via-cau-suc-khoe-cua-dong-bao-dao-do-lao-cai-post997161.vov