Cập nhật: 20/01/2023 07:36:00
Xem cỡ chữ

Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 26/1, với Lễ hội Gò Đống Đa (quận Đống Đa) và kết thúc bằng Lễ hội đền Chèm (quận Bắc Từ Liêm) vào ngày 3/6.

Ha Noi: Kiem tra gan 30 di tich, le hoi trong mua le hoi 2023 hinh anh 1

Du khách đi lễ cầu may tại động Hương Tích. (Ảnh: TTXVN phát)

Để bảo đảm nếp sống văn minh trong lễ hội, ngăn chặn những hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động mê tín, dị đoan, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ kiểm tra hoạt động của gần 30 di tích, lễ hội trên địa bàn.

Đây là những lễ hội thu hút đông khách thập phương và có nguy cơ xảy ra tiêu cực trong hoạt động tâm linh, tín ngưỡng. Đồng thời đây cũng là những địa bàn thường xảy ra nạn chèo kéo, chặt chém khách khi sử dụng các dịch vụ. Điển hình như lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền Cổ Loa (huyện Đông Anh), chùa Thầy (huyện Quốc Oai), đền Và (thị xã Sơn Tây), hội giằng bông (huyện Hoài Đức)…

Thời gian kiểm tra từ ngày 26/1, bắt đầu bằng Lễ hội Gò Đống Đa (quận Đống Đa) và kết thúc bằng Lễ hội đền Chèm (quận Bắc Từ Liêm) vào 3/6.

Việc kiểm tra tập trung vào công tác bảo vệ và xử lý các hành vi xâm hại hoặc gây nguy cơ ảnh hưởng tới các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; kiểm tra việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan; hoạt động kinh doanh, truyền bá văn hóa phẩm không được lưu hành, các đồ chơi mang tính bạo lực, nguy hiểm, cờ bạc trá hình.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiểm tra các hành vi xâm hại lấn chiếm di tích; việc tiếp nhận, sắp đặt, bài trí các hiện vật, đồ thờ tự do tổ chức, cá nhân công đức tại các di tích trên địa bàn thành phố... Bên cạnh đó, Sở tiến hành kiểm tra công tác quy hoạch sắp xếp hàng quán, dịch vụ nơi trông giữ phương tiện giao thông; công tác phòng, chống dịch trong các hoạt động của di tích và lễ hội; việc thực hiện niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại di tích và lễ hội.

Ngày 18/1, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị việc tăng cường quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 trên địa bàn.

Theo Chỉ thị, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố đã triển khai theo hướng trang trọng, an toàn, tuy nhiên tại một số địa phương vẫn còn những hạn chế.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, giám đốc các sở, ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương và Hà Nội về công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, lễ hội.

Các quận, huyện, thị xã, sở, ngành quán triệt đến cán bộ công chức, viên chức, người lao động tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công tham gia lễ hội, đồng thời chịu trách nhiệm nếu để cá nhân, tổ chức vi phạm quy định quản lý tổ chức lễ hội.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức các lễ hội đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, lãng phí, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát trước, trong và sau lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.

Sở Du lịch Hà Nội hướng dẫn các địa phương nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh du lịch..../.

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-kiem-tra-gan-30-di-tich-le-hoi-trong-mua-le-hoi-2023/842218.vnp