Cập nhật: 21/01/2023 07:46:00
Xem cỡ chữ

Với các gia đình có thành viên mang dòng máu Việt-Lào anh em, việc gìn giữ nét đẹp truyền thống quê hương, nhất là ngày Tết cổ truyền mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiêng liêng mỗi dịp Xuân về.

Xuan Quy Mao 2023: Phong tuc Tet cua nhung gia dinh Lao-Viet hinh anh 1

Bà Ma Thị Kim Cương cùng gia đình, bạn bè và con cháu đang cùng góp bánh chưng để ăn tết theo phong tục truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm Nhâm Dần sắp hết cũng là lúc mà các kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới lại tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Có một điều đặc biệt là rất nhiều gia đình kết hôn do quan hệ đặc biệt giữa hai nước và đã sinh ra những người con mang trong mình dòng máu Việt-Lào anh em. Bởi vậy, việc gìn giữ nét đẹp truyền thống quê hương nhất là ngày Tết cổ truyền mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiêng liêng.

Bà Ma Thị Kim Cương, 56 tuổi, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tuyên Quang. Từ nhỏ bà đã được mẹ dạy rất cẩn thận về nữ công, gia chánh cũng như những phong tục tập quán của quê hương đất nước mình nhất là ngày Tết cổ truyền. Năm 1994, bà Cương xây dựng gia đình với một người Lào.

Lấy chồng thì phải theo chồng, nhập gia tùy tục nhưng bà vẫn không bao giờ quên lời mẹ dặn, “dù ở xa thì cũng không được phép quên và làm mai một phong tục tập quán của dân tộc của quê hương.”

Vậy nên để hòa hợp hai nền văn hóa đó, cứ mỗi dịp đến Tết Lào, gia đình bà lại làm tất cả những gì thuộc về phong tục tập quán của Lào và đến Tết Việt Nam cũng chuẩn bị tất cả mọi thứ liên quan đến phong tục của quê hương. Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Vientiane, bà Cương nói: “Cả gia đình đều đồng lòng làm với nhau, công bằng, cả chồng và con tôi đều rất vui vẻ.”

Theo lời kể của bà, năm 1995 bà bước chân sang Lào và năm đó là cái Tết đầu tiên bà xa nhà, để có không khí cũng như gìn giữ các phong tục truyền thống ngày Tết của quê hương, hai vợ chồng bà bắt đầu gói bánh chưng. Khi đó các con của bà còn quá nhỏ và chưa hiểu gì.

Tới khi lớn lên một chút, được nghe mẹ kể về sự tích bánh chưng, chúng đã hiểu được đây là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cứ thế vào mỗi độ Tết đến Xuân về, vợ chồng bà lại cùng các con cháu sum vầy gói những chiếc bánh chưng xanh, trước là ôn lại phong tục tập quán của Việt Nam sau là để cho các con của bà tiếp tục truyền thống của người dân Việt.

Và để cho các con hiểu sâu hơn về văn hóa Tết của Việt Nam, lần nào đi chợ sắm Tết bà cũng dẫn các con đi cùng để nói cho chúng biết là phải mua cái gì sắm cái gì trong những ngày này...

Bà kể rằng trước khi bà đi lấy chồng, mẹ của bà đã dạy bà rất cẩn thận về nữ công, gia chánh cũng như phong tục ngày Tết nên dù có sống ở bất cứ nơi đâu cũng không được phép quên các phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam của quê hương đất nước mình.

Ông Sithone Chanthavong, chồng bà Cương, cho biết trong những lần đầu ông đưa vợ con về Việt Nam ăn Tết, ông được họ hàng bên ngoại thử thách xem có gói được bánh chưng hay không. Ông nghĩ mình đã là con rể của Việt Nam, mình cũng cần phải hiểu và làm một cái gì đó theo phong tục tập quán của Việt Nam.

Từ đó, ông quyết định tập gói bánh chưng theo sự hướng dẫn của vợ và chỉ mất 1-2 buổi là ông đã thành thạo. Và từ đó mỗi dịp Tết đến Xuân về gia đình ông lại quây quần bên nhau cùng chuẩn bị Tết.

Xuan Quy Mao 2023: Phong tuc Tet cua nhung gia dinh Lao-Viet hinh anh 2

Bà Ma Thị Kim Cương và con trai đang cùng nhau bày mâm ngũ quả để chuẩn bị đón Tết. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)

Bây giờ khi mà các con ông đã lớn chúng đã có thể giúp bố mẹ gói bánh thì cũng là lúc ông bà dần được nghỉ ngơi. Ông Sithone chia sẻ: “Người Việt phải biết gói bánh chưng kể cả không làm gì cũng phải ngồi xem bố gói như thế nào, mẹ gói như thế nào để còn nhớ đến ông bà ngoại tổ tiên.”

Anh Somduc Chanthavong, con trai cả của bà Cương là một người được sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Lào, cho biết nhiều người nói anh là con lai một nửa là Lào, một nửa là Việt Nam, nhưng với anh thì mẹ anh luôn luôn nói là con 100% là Việt Nam, 100% là Lào và các con phải giữ được hết các phong tục tập quán của Lào cũng như Việt Nam.

Bởi vậy, mỗi khi sắp đến Tết Việt Nam nhà anh cũng cùng nhau gói bánh chưng, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa sao cho có không khí giống như ngày Tết ở Việt Nam. Và năm nay cũng như mọi năm, trong căn nhà khá rộng rãi tại bản Dongdok, thủ đô Vientiane, ngoài gói bánh chưng thì hai người con của bà Cương đang cắm những cành mai rừng vào bình rồi đặt chúng ngay dưới chân ban thờ mà trước đó từ sáng sớm các anh đã cùng mẹ đi mua.

Sắc vàng của những bông mai, điểm thêm những chiếc khánh, tấm thiệp chúc mừng năm mới đỏ thắm cộng thêm cả sắc hồng của hoa đào tạo nên một không gian đầy sắc xuân. Trên bàn thờ gia tiên cũng được bà Cương cùng con trai của mình đặt lên một mâm ngũ quả, biểu tượng của sự may mắn, tốt lành, phát tài phát lộc. Tất cả hiện lên như một bức tranh muôn màu mang đậm vị Tết Việt.

Cũng ở gần đó, chị Hoàng Thị Mai - một Việt Kiều Lào lấy chồng Lào được 13 năm, hầu như năm nào chị cũng cho các cháu về Việt Nam đón Tết, hơn hai năm trở lại đây gia đình chị không về được do dịch COVID-19. Năm nay lại có một chút việc riêng nên chị đã quyết định ở lại Lào đón Tết.

Chị Mai chia sẻ hằng năm, cứ đến ngày 27 Tết là chị lại nghỉ bán phở để đi chợ mua sắm, gói bánh chưng và dọn dẹp, quét vôi nhà cửa làm sao cho có không khí giống Tết Việt Nam. Là người phụ nữ Việt, chị luôn luôn lo cho gia đình và cũng muốn cho hai con gái của chị-người mang trong mình hai dòng máu Việt-Lào giữ được cái nét văn hóa của cả Lào-Việt Nam.

Cũng giống như chị Cương, mỗi lần đi chợ sắm Tết chị Mai đều cho con chị đi cùng để cho các cháu biết trong ngày Tết cần phải chuẩn bị những gì, khi mua lá dong chị bảo cho các cháu biết là vì sao lá chuối không thể gói được bánh chưng Việt, hay cả khi mua mai và đào chị cũng đều phải giải thích. Chị muốn để cho các cháu biết về văn hóa phong tục của Việt Nam đặc biệt là những ngày Tết nó thiêng liêng như thế nào.

Năm nào cũng vậy ngày 30 Tết gia đình chị đều quây quần để nấu mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, mâm cơm của gia đình chị đều có đầy đủ các món ăn kiểu Việt như nem rán, giò nạc, miến, măng và không thể thiếu món bánh chưng...

Chị cũng không quên hướng dẫn cho các con của mình là trong mâm cơm chiều 30 Tết của Việt Nam gồm những gì và đến nay các bé cũng biết bóc bánh chưng theo kiểu Việt Nam, gói nem, rán nem. Đây cũng là những gì mẹ chị đã dạy khi chị còn ở Việt Nam.

Sau khi cúng ông bà tổ tiên xong gia đình chị thường mời bạn bè và các anh chị em người Việt xa quê thân thiết đến dùng bữa cơm thân mật chiều 30 Tết. Đây là những món mà cả gia đình, bạn bè chị ai cũng đều thích.

Theo chị, đây là những phong tục của Việt Nam cần được giữ gìn và chị cũng sẽ duy trì đến khi nào mình cảm thấy không thể phục vụ được nữa.

Xuan Quy Mao 2023: Phong tuc Tet cua nhung gia dinh Lao-Viet hinh anh 3

Ông Sithone Chanthavong, chồng bà Cương đang bê mâm ngũ quả đặt lên ban thờ chuẩn bị đón Tết. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chị Mai chia sẻ thêm: “Chưa cần phải đợi đến lúc tôi già các con của tôi-những đứa con lai giữa Lào-Việt 100% cũng đã đủ tự tin để truyền cảm hứng lại cho những người xung quanh và lúc đó tôi thực sự tự hào.”

Việc các gia đình cùng quây quần thực hiện đầy đủ các phong tục truyền thống của hai nước vào các dịp lễ tết không chỉ giúp các gia đình Lào-Việt như thế này củng cố và gắn kết sự hạnh phúc gia đình mà còn giúp những người con mang hai dòng máu hiểu sâu sắc về phong tục tốt đẹp của hai nước qua đó góp phần duy trì và làm sâu sắc hơn quan hệ đặc biệt Lào-Việt mãi mãi trường tồn với thời gian.

Theo Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/xuan-quy-mao-2023-phong-tuc-tet-cua-nhung-gia-dinh-laoviet/842334.vnp