Hàng năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về, đồng bào Thái Tây Bắc lại có tục đụng trâu, bò. Tập tục này được đồng bào duy trì từ trước tới nay như một nét đẹp trong văn hóa ngày tết của dân tộc.
Tục đụng trâu, bò đón lễ Tết của đồng bào Thái có từ xa xưa. Theo nhiều người già ở các bản, trước đây, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chỉ dịp lễ, tết, ngày vui bản, vui mường thì bà con mới chung nhau để mổ trâu, bò, lợn… thờ cúng tổ tiên, mời anh em họ hàng thân thích.
“Trước đây, nhà nào cũng nghèo, nhưng tết đến thì ai cũng lo, chuẩn bị thờ cúng tổ tiên, như phải có bánh chưng,con gà thắp hương, ít hoa quả, kẹo bánh, sản vật từ cây nhà lá vườn. Thịt, cá chỉ gọi là có thôi, hiếm lắm. Trong bản, nhà nào có điều kiện, chăn nuôi được, hay vài hộ chung nhau một con trâu, hay con bò mổ thịt, thì sẽ thông báo cho cả bản được biết, thậm chí cả bản trên, bản dưới lân cận được biết để đăng ký số lượng, hẹn ngày giờ mổ trâu, bò. Nhà nào khấm khá thì cũng mua vài kg trở lên, còn nhà hoàn cảnh thì cũng chỉ vỏn vẹn 1-2 kg đổ lại gọi là có cho đỡ tủi thân ngày lễ, tết” - Ông Tòng Văn Hịa, ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết.
Bà con dân bản bản Mòng xã Hua La thành phố Sơn La mổ đụng trâu ngày tết.
Thời gian, địa điểm mổ trâu, bò đụng nhau sẽ do mỗi bản ấn định, thống nhất. Nhưng thường sẽ từ ngày mồng 2 đến mồng 5 tết, chỉ tránh ngày mồng một tết, vì ngày mồng một bà con ít khi ra khỏi nhà và không muốn sát sinh. Trước khi mổ, những hộ đụng trâu, bò sẽ thông báo trước cho bà con dân bản để bà con biết và đăng ký số lượng thịt trâu, bò. Tham gia đụng trâu, bò, mọi người đều rất bình đẳng, không phân biệt giàu, nghèo. Bà con công tâm từ cách chia thịt theo từng đống to, nhỏ rồi cân lên đúng số lượng đã đăng ký, với đủ các bộ phận của con trâu, bò được mổ thịt, dù mỗi thứ chỉ một ít, từ như thịt, xương cho đến nội tạng như lòng, tim, gan, tiết, pịa, sách, da.
Sau khi đã cân đong, đo đếm, phân chia xong, nhà ai người ấy xách thịt về trong không khí rất vui tươi, phấn khởi. Nếu ai chưa có tiền, thì cho nợ đến mùa vụ mới trả cho những hộ đứng ra đụng trâu, bò. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao, sự sẻ chia, tương thân, tương ái. “Mổ trâu, bò tết, trước khi ăn uống, chủ nhà sẽ làm mâm cúng đặt tại gian thờ, mời gọi tổ tiên ăn trước, con cháu mới được ăn sau. Thể hiện sự tôn kính cha ông, tổ tiên, những người đã khuất, với mong muốn được tổ tiên phù hộ độ trì, con cháu khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt” - Ông Tòng Văn Hịa cho biết thêm.
Công đoạn lọc, phân loại thịt trâu mổ đụng ngày tết để chia về các hộ.
Không chỉ ở Sơn La, hầu hết các bản làng người Thái ở Tây Bắc từ xa xưa cho đến nay vẫn đang duy trì tục đụng trâu, bò ngày Tết, như một nét văn hóa hiện hữu trong những ngày vui xuân đón Tết của đồng bào: “ Sinh sống tại bản làng, ngày tết, ngày lễ, vài hộ sẽ cùng góp nhau mua một con trâu, bò, hay lợn để mổ ăn tết. Đặc biệt, bây giờ con cháu đi làm ăn dưới miền xuôi cũng có được ít tiền, nên con cháu sẽ góp nhau mổ trâu bò ăn tết. Sau đó, mời anh em họ hàng thân thích gần xa đến chung vui. Chúc tụng nhau sang năm mới những điều may mắn, tốt đẹp nhất. Ai biết hát thì hát, ai biết múa thì múa, rất vui nhộn. Đến nay, phong tục tập quán này vẫn được bà con duy trì” - Ông Lò Văn Phinh, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Một mùa xuân lại về, trong các bản làng người Thái Tây Bắc, các hộ gia đình đã sẵn sàng chuẩn bị đụng trâu, bò, lợn phục vụ cả bản đón Tết. Ai cũng vui tươi, phấn khởi, mong ước cuộc sống ngày thêm no ấm, hạnh phúc.
Theo Tòng Đức Anh/VOV-Tây Bắc
https://vov.vn/van-hoa/tuc-dung-trau-bo-ngay-tet-cua-nguoi-thai-tay-bac-post996999.vov