Cập nhật: 23/01/2023 09:20:00
Xem cỡ chữ

Đến Trường Sa vào những ngày giáp Tết, không khí nơi đảo xa không náo nhiệt như trong đất liền nhưng vẫn đủ đầy để những người con xa quê cảm thấy ấm lòng bởi tình đồng đội, tình quân dân gắn kết.

Khong khi don Tet am ap cua nhung nguoi con dat Viet o Truong Sa hinh anh 1

Vận chuyển hàng Tết ra đảo. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Tết đến, Xuân về là niềm vui chung, là tâm trạng hân hoan của tất cả người con Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những ngày này, người người, nhà nhà bận rộn sắm sửa, chuẩn bị tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới.

Trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, giữa biển khơi mênh mông sóng nước, không khí đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của các cán bộ, chiến sỹ và người dân cũng không kém phần rộn ràng, háo hức.

Tết ở Trường Sa luôn đong đầy tình cảm quân dân

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc luôn là khoảng thời gian thiêng liêng, ý nghĩa đối với mọi người dân Việt Nam, nhất là những người lính ở Trường Sa đang ngày đêm canh giữ biển trời.

Đó không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn đánh dấu một năm công tác, thực hiện nhiệm vụ trên đảo.

Ngày Tết tại đây chất chứa tình cảm đồng bào, không chỉ là sự gắn bó giữa cán bộ và chiến sỹ mà còn là tình quân dân ấm áp.

Đến Trường Sa vào những ngày giáp Tết, không khí nơi đảo xa không ồn ào, không náo nhiệt như trong đất liền nhưng không khí vẫn đủ đầy để những người con xa quê cảm thấy ấm lòng bởi tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân gắn kết.

Mới nhận nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa, chiến sỹ Trương Ngọc Quang chia sẻ đây là lần đầu tiên Quang đón Tết xa nhà nhưng lại được đón Tết tại một nơi rất đặc biệt.

Tạm gác lại cảm giác nhớ nhà, người thân và bạn bè, người lính trẻ quyết tâm hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao, cùng chuẩn bị đón Tết cùng đồng đội trên đảo.

“Sự gắn bó, quan tâm, chia sẻ giữa những người lính xa nhà làm tôi cảm thấy mình có thêm một gia đình mới; là chỗ dựa vững chắc cho bản thân không chỉ trong những ngày Tết xa quê mà sẽ là một “tổ ấm” trong suốt quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ trên đảo xa,” chiến sỹ Trương Ngọc Quang chia sẻ.

Khong khi don Tet am ap cua nhung nguoi con dat Viet o Truong Sa hinh anh 2

Các chiến sỹ trên đảo Trường Sa trang trí cây mai cho đêm Giao thừa đón Tết Quý Mão 2023. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Trước khi chia tay, Quang đề nghị chụp một vài kiểu ảnh và nhờ gửi giúp đến người thân, bạn bè ở quê, kèm theo những lời chúc năm mới tốt đẹp và lời nhắn nhủ, mong muốn mọi người yên tâm vì ở nơi đảo xa, Quang công tác tốt và đang rất phấn khởi, háo hức cùng đồng chí, đồng đội đón xuân mới thật ý nghĩa tại vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khác với Trương Ngọc Quang, Trung sỹ Trần Minh Ngọc (trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa) cho biết đây là năm thứ hai Ngọc đón tết trên đảo cùng đồng đội.

Tết của người lính nơi đảo xa rất đặc biệt vì nơi đây có hương vị mặn mòi của biển cả, là những tình cảm trong những bức thư, tấm thiệp, gói quà của người dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài gửi đến.

Tết ở nơi đây luôn đong đầy tình cảm giữa những người lính xa quê và với những người dân đang sinh sống và làm việc trên đảo.

“Do vậy, Tết trên đảo luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí những người lính đã và đang làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Tết của lính trên quần đảo Trường Sa sẽ mãi là kỷ niệm đẹp và đáng tự hào trong cuộc đời mỗi người lính đảo,” Trung sỹ Ngọc tâm sự.

Vui Xuân, đón Tết nhưng không quên nhiệm vụ

Trong lúc cùng anh em chiến sỹ trang trí cành mai vàng giữa phòng đón Xuân của đơn vị, Chính trị viên phó Bùi Văn Ngải, đảo Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa vui vẻ cho biết những năm qua, được nhân dân cả nước quan tâm, tạo điều kiện, cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo ngày càng đầy đủ cả về vật chất và tinh thần.

Tết của quân và dân ở Trường Sa không chỉ có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh… mà có cả cành mai, cây quất cùng những món quà Tết thắm nghĩa tình đồng bào gửi đến Trường Sa từ đất liền. Do vậy, bộ đội và người dân nơi đây luôn cảm thấy Trường Sa rất gần với đất liền trong tình thương yêu, đoàn kết gắn bó.

Nói đến đón Tết ở Trường Sa, chị Phan Nguyễn Xuân Thùy, người dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa vui vẻ cho biết mặc dù ở nơi hải đảo xa xôi nhưng Tết ở Trường Sa vẫn đầy đủ và giữ nguyên nét cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Những ngày này, mọi người đều bận rộn chuẩn bị mâm cỗ, mâm ngũ quả, trang trí cây mai trước thềm nhà và nấu các món ăn truyền thống ngày Tết để tiếp khách và các cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

Chị Thùy cho biết sôi động nhất phải kể tới các hoạt động chào đón năm mới. Quân và dân trên đảo lại cùng nhau gói bánh chưng, giao lưu văn hóa, văn nghệ và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống và cùng nhau đến chùa thắp hương để cầu cho một năm mới tốt lành.

Các hoạt động sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa này giúp cho cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo gắn kết và hiểu nhau hơn, cùng nhau vun đắp, xây dựng khối đoàn kết quân dân trên đảo, làm nền tảng vững chắc để người dân yên tâm sinh sống, bám biển, giữ gìn và bảo vệ vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Khong khi don Tet am ap cua nhung nguoi con dat Viet o Truong Sa hinh anh 3

Chiến sỹ canh gác cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc trên biển. (Ảnh: Ngọc Đức/TTXVN)

Vui vẻ trò chuyện với phóng viên trong khi đang tiến hành kiểm tra công tác trực sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, Trung tá Lê Ngọc Nam, Phó Chính trị viên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa cho biết đây là năm thứ tư anh đón Xuân trên đảo.

Hoạt động vui Xuân đón Tết của bộ đội và người dân tại đây luôn được quan tâm và chuẩn bị từ rất sớm với nhiều hoạt động.

Bên cạnh các hoạt động đón chào năm mới, cán bộ và chiến sỹ trên đảo luôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm chế độ canh gác và trực sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống để đất liền yên tâm vui Tết.

Đánh giá về việc chuẩn bị và tổ chức đón Tết năm 2023 cho cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo, Trung tá Trần Danh Hoàng, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa cho biết đến thời điểm hiện tại cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã tiếp nhận đầy đủ các mặt hàng, nhu yếu phẩm phục vụ đón Tết Quý Mão từ đất liền gửi ra.

Đây là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo vui Xuân, đón Tết, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Song song với việc tổ chức trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trong mọi tình huống, lực lượng đóng quân trên đảo còn tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ, thi gói bánh chưng, cắt tỉa cây cảnh và trang trí các phòng đón xuân tạo không gian giống như trong đất liền để mọi người vơi đi nỗi nhớ quê, nhớ nhà…

Lãnh đạo đơn vị còn thăm hỏi, động viên những quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt để cán bộ, chiến sỹ cảm thấy thực sự yên tâm đón Tết đầm ấm và trọn vẹn với tinh thần xuyên suốt của cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 Hải quân “Đảo là nhà, biển cả là quê hương.”

Tết ở Trường Sa thường đến sớm hơn trong đất liền, có lẽ vì Trường Sa là “phên dậu tiền tiêu” của Tổ quốc, là nơi đón bình minh sớm nhất của Việt Nam và là nơi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của đất liền.

Do vậy, Tết ở Trường Sa rất đặc biệt còn vì những lý do đó. Như anh em lính đảo và người dân nơi đây vẫn nói vui với nhau rằng “tàu ra là Trường Sa vào Tết.”

Những chuyến tàu đến với Trường Sa trong những ngày này không chỉ mang theo quà Tết, các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo mà còn mang theo những tình cảm, sự quan tâm, nghĩa tình của nhân dân cả nước dành cho Trường Sa.

Tất cả những điều ấy đã và đang làm cho Tết ở Trường Sa ấm áp và trở nên đặc biệt để những người lính luôn vững chắc tay súng giữ bình yên mùa Xuân Tổ quốc./.

Theo Hải Ngọc (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/khong-khi-don-tet-am-ap-cua-nhung-nguoi-con-dat-viet-o-truong-sa/841951.vnp