Cập nhật: 21/01/2023 17:15:00
Xem cỡ chữ

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năm 2022, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều dấu mốc mới. Tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế của một tỉnh công nghiệp vững mạnh và chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Điều đó một lần nữa khẳng định sự đột phá trong đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh, sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng tạo nên những con số đầy ấn tượng, góp phần hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ là “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta”.

Vĩnh Phúc đạt kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022 khả quan

Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ thông tin về tình hình KT - XH tại buổi họp báo

1. ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Trong năm qua, đã có 44 cơ chế, chính sách được ban hành, chủ yếu tập trung thúc đẩy, nâng cao đời sống, thu nhập và phúc lợi cho Nhân dân. Các chính sách đã sát, đúng với thực tế với cuộc sống của người dân.Thể hiện nhất quán quan điểm từ tư duy đến hành động trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, Nhân dân thực hiện.

2. ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ BẰNG SẢN PHẨM

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 529 về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Cụ thể hóa khâu đột phá về công tác cán bộ theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đã tạo chuyển biến rõ nét trong tư duy, hành động của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đều nỗ lực phấn đấu vì lợi ích chung, vì sự phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc.

3. SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG

Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Hướng tới các giá trị cơ bản như: bảo đảm hiệu lực và hiệu quả quản lý, tính trách nhiệm trước nhà nước và trước Nhân dân, xây dựng cán bộ chuyên nghiệp, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền hành chính phục vụ. Nâng cao hiệu quả của bộ máy thông qua việc kiểm tra giám sát của Đảng và thanh tra, kiểm tra của chính quyền.

4. TĂNG CƯỜNG TƯƠNG TÁC VỚI NGƯỜI DÂN

Tập trung đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, thông qua các hoạt động giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri, tăng cường tương tác trao đổi, nắm bắt dư luận xã hội, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Nhân dân một cách có trọng tâm, trọng điểm, từ đó làm căn cứ để nhiều vấn đề nóng, điểm nghẽn của tỉnh được đưa ra thảo luận, chất vấn, tháo gỡ tại kỳ họp.

5. THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC

Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng. Toàn tỉnh đã giải phóng trên 2.000 ha đất, đây là điểm nghẽn đã tồn tại qua nhiều năm. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai.

6.TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CAO NHẤT TRONG NHIỀU NĂM QUA

Con số 9,54% là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt được trong năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm qua. Vĩnh Phúc nằm trong top 10 địa phương có tăng trưởng cao nhất và cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước. Trong điều kiện khó khăn của đại dịch Covid-19, 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 của Vĩnh Phúc đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc.

7. THU NGÂN SÁCH VƯỢT MỐC 40 NGHÌN TỶ ĐỒNG

40.353 tỷ đồng là tổng số thu ngân sách ấn tượng mà Vĩnh Phúc đạt được trong năm 2022, đây là con số cao nhất từ trước tới nay, đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ, trong đó thu nội địa đạt 33.554 tỷ đồng. Cơ cấu thu từ sản xuất trên 80%, khẳng định sự ổn định, phát triển bền vững trong các hoat động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc. Đây là điều kiện để Vĩnh Phúc tăng chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

8. KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Cải cách hành chính thực sự đi vào chiều sâu, bằng chứng là chỉ số PCI và chỉ số Par index của Vĩnh Phúc xếp thứ 5, chuyển đổi số xếp thứ 12 toàn quốc, là một trong 3 địa phương được VCCI tặng giải thương địa phương xuất sắc trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2022. Giải quyết việc làm ổn định, lương và thưởng công nhân ở mức cao so với cả nước. 

Vĩnh Phúc khẳng định tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Thu hút trên 453 triệu USD vốn FDI và 12.500 tỷ đồng vốn DDI vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, thu hút DDI có sự bứt phá, vượt trên 240% kế hoạch năm, đã khẳng định sự phát triển ổn định trong thu hút đầu tư của tỉnh, với chủ trương, chính sách phù hợp, đổi mới trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, năm 2022.

9. DẤU ẤN ĐẬM NÉT VỀ VĂN HÓA - GIÁO DỤC

Phong trào văn hoá văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, toàn tỉnh duy trì hơn 2.700 câu lạc bộ thể thao quần chúng và hàng nghìn câu lạc bộ dân ca, dân vũ tạo nên đời sống văn hóa tinh thần phong phú của Nhân dân. Khu du lịch Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch quốc gia thứ 7 của Việt Nam. Thị trấn Tam Đảo được vinh danh là thị trấn điểm điến hàng đầu thế giới năm 2022; 

Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm Đình Hương Canh huyện Bình Xuyên được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Vĩnh Phúc đã đăng cai tổ chức thành công 2 môn thi đấu Sea Games 31, đại hội thể thao toàn quốc; BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15 về xây dựng phát triển văn hoá, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Giáo dục Đào đạo có bước chuyển rõ nét trong nhận thức và hành động của cả hệ thống giáo dục tỉnh nhà, đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; xếp thứ 2 cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh; công tác giáo dục - đào tạo được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Chi Quỹ Khuyến học, Khuyến tài: gần 2 tỷ đồng.

10. AN SINH XÃ HỘI ĐƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TÂM

Năm 2022, Vĩnh Phúc đã chi trên 1.000 tỷ đồng cho lĩnh vực an sinh xã hội, cao gấp hơn 50 lần so với năm 2020. Con số này cho thấy Vĩnh Phúc luôn đặt con người vào trung tâm của sự phát triển và mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển đó. Ngoài nguồn vốn từ phân bổ từ Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, Tỉnh đã bổ sung nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay giảm nghèo, tạo việc làm. Cơ sở vật chất trang thiết bị y tế được đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Thùy Linh - Văn Hải