Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, cùng với lời chúc tốt đẹp đầu năm là những phong bao lì xì, mừng tuổi được trao nhau thể hiện nét văn hoá đẹp đẽ của người Việt Nam. Thế nhưng, hiện nay phong tục đẹp đẽ này đang có phần bị “thương mại hóa”...
|
Cứ mỗi khi Xuân về, cùng với lời chúc tốt đẹp đầu năm là những phong bao lì xì, mừng tuổi được trao nhau thể hiện nét văn hoá đẹp đẽ của người Việt Nam.
|
Mừng tuổi đầu năm đã trở thành một phong tục không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về. Mừng tuổi đầu năm vốn là một mỹ tục. Hàng năm, chuẩn bị đón Xuân là người người, nhà nhà lại chuẩn bị tiền lẻ để mừng tuổi. Bắt đầu từ thời điểm Giao thừa đến mồng một, mồng hai… Tết, gia đình, người thân lại quây quần, đoàn tụ, chúc tụng và mừng tuổi nhau. Đầu tiên là cháu con mừng tuổi ông bà, cha mẹ mong được sống lâu trăm tuổi. Sau đến ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại con cháu, mong con cháu chăm ngoan, học giỏi…
Theo đúng phong tục, tiền mừng tuổi ngày Tết không tính theo giá trị nhưng phải mới, phẳng phiu không một nếp gấp nhỏ. Ngày xưa, mừng tuổi cũng chỉ là tiền hào, tiền xu mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt. Bởi họ quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt trong năm mới. Trẻ con mà có phong bao mừng tuổi là thích lắm, suốt mấy ngày Tết giữ gìn những phong bao mừng tuổi ấy rất cẩn thận, đi đâu cũng mang theo và khoe với nhau xem ai có phong bao đẹp hơn. Sau mấy ngày Tết, bao nhiêu tiền mừng tuổi thường đem bỏ lợn tiết kiệm.
Thế nhưng hiện nay trong nền kinh tế thị trường người ta không còn sử dụng tiền xu, tiền hào và cũng ít sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi mà thay vào đó là những đồng bạc xanh, đồng bạc đỏ,... trị giá hàng triệu đồng… Tiền mừng tuổi trong nhiều trường hợp cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà mừng tuổi đầu Xuân còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân rất sâu xa. Lợi dụng tục mừng tuổi, nhiều người đã biến nó thành món hàng trao đổi, buôn danh và lợi.
Từ những toan tính của người lớn đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn con trẻ khi Tết đến, có những em không còn ngây thơ đem những đồng tiền mừng tuổi lẻ để nuôi heo đất, mà đã chuẩn bị sẵn tâm lý “thu hoạch”, “kiếm chác”... Nghiêm trọng hơn, các em nhỏ học cha mẹ chúng đánh giá giá trị con người tỉ lệ thuận với số tiền mà họ mừng tuổi. Theo các em, người mừng tuổi nhiều chắc chắn là người tốt, người “sống đẹp”, người mừng tuổi ít là người keo kiệt, bủn xỉn, thậm chí đáng khinh. Thế nên nhiều khi chuyện mừng tuổi ngày Xuân đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều người, nhất là những người lao động chân chính. Đã có những trường hợp mừng tuổi ít bị bọn trẻ chê bai, bố mẹ họ thì coi thường khiến họ hết sức bối rối. Nhiều khi không có tiền mừng tuổi không dám đi đâu, không dám sang chúc tết mọi người!
Ngoài ra, còn có kiểu mừng tuổi trả nợ. Đến nhà giàu họ mừng tuổi con mình nhiều thì nhất thiết mình phải mừng tuổi con họ bằng hoặc nhiều hơn, nếu không thì cảm thấy áy náy, không yên… Chính vì quan niệm vậy mà nhiều khi tiền dành dụm, tích cóp vợ chồng con cái nhịn ăn, nhịn mặc, chi tiêu dè xẻn cả năm nhưng lại tiêu tốn hết vào việc mừng tuổi. Tệ hại hơn, việc mừng tuổi đầu Xuân nhiều khi đã trở thành lệ bắt buộc. Nhiều người không có tiền phải chạy vạy, đi vay để mừng tuổi cho đẹp mặt. Có lẽ vì vậy mà tâm lý sợ Tết, lo đến Tết phải đi mừng tuổi nhiều cũng là hiện tượng phổ biến của không ít gia đình hiện nay.
Thiết nghĩ, hiện nay, đời sống của người dân đã dần được nâng lên nhưng không vì thế mà phải hoang phí trong những ngày Tết. Việc mừng tuổi, chi tiêu trong ngày Tết phải đúng mực, tiết kiệm để mỗi khi Xuân về, Tết đến thực sự là niềm mong mỏi, niềm vui,niềm hạnh phúc của mọi người!
Theo Bài, ảnh: K.T/dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/xuan-uoc-vong-2023/tet-viet/mung-tuoi-net-dep-dau-xuan-630162.html