Năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trọng tâm là trong đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Từ đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ, tỉnh đạt được những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội đạt dấu mốc mới.
Đánh giá cán bộ thực sự là chủ trương đột phá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm khắc phục được khâu yếu trong công tác cán bộ hiện nay và cụ thể hóa khâu đột phá về công tác cán bộ theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên trong công tác cán bộ và có tính chất quyết định đến các khâu còn lại của công tác cán bộ. Đánh giá đúng sẽ giúp cho cấp ủy có sở sở để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đúng cán bộ và sẽ phát huy được hiệu quả trong công việc. Thế nhưng trong suốt nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, Đảng ta vẫn xác định đây là khâu khó nhất và yếu nhất. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đã xác định các khâu đột phá, trong đó đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ bằng sản phẩm.
Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng đối tượng giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đối với 43 người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trên nguyên tắc căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, cơ quan, đơn vị để lựa chọn những việc khó, việc mới, việc chưa có tiền lệ, việc tồn tại nhiều năm chưa giải quyết để thực hiện. Từ việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có cách làm đột phá, giải quyết được các tồn tại nhiều năm, nhất là trong xử lý vi phạm đất đai, giải ngân vốn đầu tư công.
Giao chỉ tiêu, nhiệm vụ nhưng không phó mặc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn đồng hành để các địa phương, đơn vị và cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện bằng việc kiểm tra, giám sát và có quy định để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Vì vậy, năm 2022 tỉnh đã đạt được thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng kinh tế đạt 9,54%, và là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay. Thu ngân sách cán mốc 40.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt cả trong và sau đại dịch Covid-19; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”. Song thực tiễn qua cách làm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đã định lượng được tiêu chí trong đánh giá, xếp loại cán bộ hằng năm.
Kết quả, chất lượng công việc chính là thước đo chính xác nhất năng lực cán bộ. Trên cơ sở đánh giá chính xác cán bộ mới có thể bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, động viên, khuyến khích cán bộ có tài tiếp tục cống hiến, phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đang hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn; có ý thức trách nhiệm, đam mê và khát vọng./.
Văn Hải