Nối tiếp những điểm sáng của kinh tế trong năm 2022 với cơ cấu sản xuất ổn định, kiềm chế lạm phát, mức đầu tư công cao, kinh tế có 7 tháng để dần phục hồi những ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19. Do vậy, các cơ quan, đơn vị, người dân đặt nhiều niềm tin về sự tăng trưởng đạt kết quả cao của kinh tế Vĩnh Phúc trong năm 2023.
Vĩnh Phúc khép lại năm 2022 với nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP đạt 9,54%, thu ngân sách đạt trên 40 nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy sự hồi phục rất mạnh mẽ của nền kinh tế, sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp trong giữ vững ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, của tỉnh trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhất kế hoạch đề ra. Năm 2023 - năm bản lề vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, kinh tế được nhận định tiếp tục có nhiều triển vọng tích cực.
Sự suy giảm của nền kinh tế thế giới đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh đó, Vĩnh Phúc lại là địa phương có độ mở kinh tế lớn nên sự tác động tới tăng trưởng kinh tế là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi kinh tế suy giảm, thì tăng đầu tư công chính là giải pháp cho tăng trưởng, làm sao để đưa đầu tư công vào đúng lĩnh vực.
Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các tổ chức, DN, nhà đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường. Với những quyết tâm, khát khao đổi mới, dám thay đổi của bộ máy chính quyền, các doanh nghiệp cũng yên tâm đầu tư và mong một năm mới suôn sẻ, tăng thu.
Năm 2023, Vĩnh Phúc phấn đấu GRDP tăng 8-9,5%; tổng thu ngân sách đạt 32.398 tỉ đồng, thu hút 400 triệu vốn FDI, 5.000 tỉ đồng vốn DDI, giải quyết việc làm mới cho khoảng 16 - 17 nghìn lao động./.
Thùy Linh