Trên thế giới, việc mèo được giao trọng trách bảo vệ công trình di sản văn hóa - nghệ thuật là điều đã được biết tới.
Hàng chục chú mèo bảo vệ quần thể bảo tàng Hermitage ở Nga
Qua thời gian, những chú mèo sống trong quần thể công trình Hermitage đã trở thành một nét hấp dẫn của nơi này (Ảnh: Getty Images).
Quần thể bảo tàng Hermitage ở Saint Petersburg, Nga, là niềm tự hào của nước Nga trong lĩnh vực bảo tàng. Một chi tiết thú vị ở bảo tàng này, đó là nơi đây có nuôi hàng chục chú mèo để bảo vệ công trình và hơn 3 triệu tác phẩm nghệ thuật khỏi sự tấn công, phá hoại của loài chuột.
Quần thể bảo tàng Hermitage rất rộng lớn, bao gồm 6 công trình cổ, trong đó có công trình Cung điện Mùa đông danh tiếng. Hoạt động trưng bày tác phẩm nghệ thuật bắt đầu được tiến hành tại quần thể công trình này từ thời Nữ hoàng Catherine Đại đế kể từ năm 1764.
Dù vậy, ở thời kỳ này, quần thể công trình Hermitage còn phục vụ cho nhiều nhu cầu sử dụng khác của giới quý tộc Hoàng gia Nga, khu vực trưng bày tác phẩm nghệ thuật cũng chỉ tiếp đón một số lượng khách rất ít ỏi. Nhưng có một điều không đổi ở quần thể công trình này, đó là những chú mèo đã sớm được nuôi tại đây kể từ giữa thế kỷ 18 với nhiệm vụ chính là bắt chuột.
Đến thập niên 1990, lần đầu tiên một chương trình cụ thể về việc nuôi dưỡng, chăm sóc những chú mèo sống trong quần thể công trình Hermitage được đề ra, để điều kiện sống của những chú mèo được cải thiện.
Qua thời gian, những chú mèo sống trong quần thể công trình Hermitage đã trở thành một chi tiết góp phần làm nên sức hấp dẫn cho nơi này. Khi quần thể công trình Hermitage chính thức trở thành một quần thể bảo tàng chào đón du khách tới tham quan, thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật, sức hút của những chú mèo sinh sống tại đây đối với công chúng càng gia tăng.
Những chú mèo đã sớm được nuôi tại quần thể công trình Hermitage kể từ giữa thế kỷ 18 với nhiệm vụ chính là bắt chuột (Ảnh: The Moscow Times).
Thậm chí, ban quản lý quần thể bảo tàng đã có thêm một vị trí đặc biệt, đó là người đại diện truyền thông cho những chú mèo sinh sống tại bảo tàng. Ngoài ra, bầy mèo của quần thể bảo tàng Hermitage có 3 người chuyên làm các công việc chăm sóc cho chúng.
Mèo ở quần thể bảo tàng Hermitage hiện tại chủ yếu sống ở khu vực tầng hầm, ngoài ra, chúng cũng xuất hiện ở các không gian ngoài trời trong những ngày nắng ấm. Ở những thế kỷ trước, những chú mèo này thậm chí còn được "tự tung tự tác" đi lại trong những khu vực trưng bày tác phẩm nghệ thuật.
Dù vậy, kể từ khi bảo tàng mở cửa chào đón công chúng và mọi thứ dần đi vào hoạt động theo hướng nề nếp, quy củ, những chú mèo không còn được phép đi vào không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật nữa, dù vậy, những chú mèo vẫn rất nổi tiếng và tạo nên sức hút lớn đối với du khách.
Số lượng mèo sống tại quần thể công trình Hermitage có lúc lên tới hơn 70 chú mèo. Tại đây, có khu vực riêng dành để nhóm nhân viên chăm sóc bầy mèo chuẩn bị đồ ăn cho mèo, bên cạnh đó, còn có một phòng trị bệnh dành cho mèo. Chi phí chăm nuôi bầy mèo đến từ các khoản quyên góp và các nguồn bảo trợ.
Mèo bảo vệ Tử Cấm Thành ở Trung Quốc
Có khoảng 200 chú mèo sống trong khu vực Tử Cấm Thành (Ảnh: Inkston).
Ban quản lý di tích Tử Cấm Thành ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, từng tiết lộ một trong những phương pháp để bảo tồn công trình di tích này, đó là họ nuôi khoảng 200 chú mèo trong khu vực Tử Cấm Thành. Vai trò của những chú mèo này là tiêu diệt chuột và các loài gặm nhấm.
Du khách tới thăm Tử Cấm Thành có thể sẽ tình cờ bắt gặp những chú mèo đi lại trong khu vực được bảo tồn nghiêm ngặt. Thực tế, đó không phải mèo hoang mà là những chú mèo được nuôi hoàn toàn có chủ đích, để hỗ trợ ban quản lý di tích tiêu diệt những "khách không mời".
Việc nuôi mèo trong Tử Cấm Thành đã diễn ra trong nhiều năm và cho thấy hiệu quả rất tốt. Tới năm 2014, ban quản lý di tích Tử Cấm Thành mới chính thức chia sẻ thông tin này với báo giới. Trước đây, những chú mèo đẹp và quý đã từng được tuyển chọn để được nuôi trong Tử Cấm Thành để làm thú cưng, phục vụ cho thú vui riêng của một số thành viên trong Hoàng gia.
Sau này, những chú mèo được tuyển chọn vào cung vẫn tiếp tục sinh sôi trong Tử Cấm Thành bất kể những đổi thay rất lớn đã diễn ra ở nơi di tích lịch sử này.
Mèo sống trong Tử Cấm Thành cũng nhận được "chế độ đãi ngộ", chúng được chăm sóc sức khỏe, được cho ăn uống đầy đủ (Ảnh: Inkston).
Khi ban quản lý di tích quyết định gia tăng số mèo sinh sống trong Tử Cấm Thành, những chú mèo "tinh tuyển" lại tiếp tục được phối giống và sản sinh thêm nhiều thế hệ mới.
Đối với ban quản lý di tích, kể từ khi họ nghĩ ra phương pháp này, công tác bảo tồn di tích đã chứng kiến những tiến triển tốt. Những chú mèo tỏ ra rất hiệu quả trong việc tiêu diệt chuột. Bên cạnh đó, mèo ở đây được "dạy dỗ" để không gây tổn hại tới di tích.
"Dù có đi khắp Tử Cấm Thành, bạn cũng không thể tìm thấy vết cào của móng vuốt mèo lên bất cứ đâu", một nhân viên làm việc tại đây chia sẻ.
Bên cạnh đó, những chú mèo cũng nhận được "chế độ đãi ngộ", chúng được chăm sóc sức khỏe, được cho ăn uống đầy đủ. Trước hiệu quả và mức độ tiết kiệm của biện pháp nuôi mèo nhằm bảo vệ di tích, ban quản lý Tử Cấm Thành cho biết họ cảm thấy rất hài lòng về những chú mèo sinh sống trong hoàng cung.
Bảo tàng tuyển mèo làm nhân viên
Khi mèo Marai có một "chân chính thức" tại viện bảo tàng, người ta có thể sắp xếp cho chú một nơi ăn chốn ở đàng hoàng (Ảnh: Russia Beyond).
Hồi năm 2016, bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Serpukhov, nằm ở thành phố Serpukhov, Nga, bất ngờ gây sốt vì bổ nhiệm một chú mèo trở thành nhân viên bảo tàng. Chú mèo hay lang thang trong viện bảo tàng đến mức đã trở nên quen thuộc đối với các nhân viên làm việc tại đây, họ còn thân mật đặt tên cho chú mèo là Marai.
Trong ngày Cá tháng 4 năm 2016, các nhân viên làm việc tại viện bảo tàng đã nghĩ ra một trò đùa và đăng tải lên tài khoản mạng xã hội của viện bảo tàng. Họ tuyên bố rằng chú mèo Marai đã chính thức được đưa vào danh sách nhân viên làm việc chính thức tại viện bảo tàng, bởi chú đã quá tận tụy, gắn bó với nơi này.
Dù ban đầu, đây là một trò đùa, nhưng sau khi thấy phản ứng của truyền thông - công chúng đối với trò đùa này quá... tích cực, hồ hởi, bảo tàng quyết định nghiêm túc thực hiện.... trò đùa của mình và đưa chú mèo Marai vào danh sách nhân viên làm việc tại bảo tàng.
Marai là một chú mèo vô chủ khá ngoan ngoãn, vì vậy, các nhân viên ở viện bảo tàng rất quý mến chú, Marai không gây mất trật tự, không làm phiền các khách tham quan bao giờ. Khi mèo Marai có một "chân chính thức" tại viện bảo tàng, người ta có thể sắp xếp cho chú một nơi ăn chốn ở đàng hoàng để chú thoát khỏi cảnh sống của chú mèo hoang.
Ngay lập tức, chú mèo đã trở thành "ngôi sao" tại viện bảo tàng, du khách và cả người dân bản địa rất thích thú trước sự hiện diện của mèo Marai, họ thường chụp hình kỷ niệm với chú mèo, nhiều người ghé thăm bảo tàng để được gặp mèo Marai và còn mang theo quà cho chú mèo.
Bảo tàng kinh doanh phát đạt nhờ hai chú mèo
Nhờ hai chú mèo "ngoan cố" mà Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Onomichi lại được du khách biết đến nhiều hơn, quầy hàng lưu niệm của bảo tàng lại bán đắt hàng hơn (The Guardian).
Năm 2018, câu chuyện kinh doanh phát đạt của Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Onomichi, nằm ở tỉnh Hiroshiama, Nhật Bản, được nhắc tới nhiều. Các nhân viên bảo vệ làm việc tại bảo tàng đã phải kiên nhẫn "chiến đấu" trong nhiều năm liền để những chú mèo sống quanh viện bảo tàng không "quen chân" đi vào trong không gian trưng bày của bảo tàng để dạo chơi mỗi ngày.
Sau cùng, khi những chú mèo khác đã "hiểu ra vấn đề" và không còn cố đi vào bên trong bảo tàng nữa, thì vẫn còn hai chú mèo, một chú mèo màu đen tên Ken và một chú mèo màu vàng tên Go, vẫn "ngoan cố" tìm tới viện bảo tàng mỗi ngày để tìm cách lẻn được vào trong. Mỗi khi thấy bóng dáng hai chú mèo, người bảo vệ lại chạy ra nhẹ nhàng xua chúng đi.
Lâu dần thành "thú vui", cứ thấy bác bảo vệ chạy ra đuổi mèo là nhân viên bảo tàng lại quay clip đăng tải lên tài khoản mạng xã hội của bảo tàng. Người Nhật vốn rất yêu quý và có những quan niệm tốt đẹp về mèo, những đoạn được nhân viên bảo tàng chia sẻ trên mạng xã hội nhanh chóng lan truyền, khiến bảo tàng được biết đến nhiều hơn.
Nhiều người nhớ đến Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Onomichi là nơi "có hai chú mèo hay tới quấy rầy". Dần dần, du khách đến đây đều hỏi thăm về hai chú mèo, quầy bán đồ lưu niệm của bảo tàng cũng chuyển sang bán những món đồ lưu niệm lấy cảm hứng từ hai chú mèo, để thỏa lòng yêu mến của du khách dành cho mèo Go và mèo Ken.
Vậy là nhờ hai chú mèo "ngoan cố" mà Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Onomichi lại được du khách biết đến nhiều hơn, quầy hàng lưu niệm của bảo tàng lại bán đắt hàng hơn.
Theo Bích Ngọc/dantri.com.vn/Russian Life
https://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-chu-meo-nam-giu-trong-trach-bao-ve-di-san-van-hoa-nghe-thuat-20230101233357502.htm