Cập nhật: 25/01/2023 07:35:00
Xem cỡ chữ

Theo phong tục của người Thái đen, trong mấy ngày Tết, mỗi gia đình sẽ chọn một ngày nhất định để tổ chức ăn Tết hay còn gọi là ngày dọn bàn thờ. 

Người Thái cúng tổ tiên theo lịch can chi 10 ngày một lần. Do vậy nếu ngày cúng trùng một trong các ngày Tết thì họ sẽ chọn đúng ngày đó để tổ chức ăn Tết. Nếu không trùng sẽ phải chọn một ngày khác nhưng phải là ngày ít kiêng kỵ đối với gia đình họ. Vào ngày đó bà con sẽ mời anh em họ hàng và người dân trong bản đến chung vui, ăn Tết cùng gia đình.

ngay don ban tho trong gia dinh dong bao thai den hinh anh 1

Mâm cơm Tết của gia đình đồng bào Thái.

Trước khi tiến hành dọn bàn thờ ngày Tết, gia chủ sẽ vào trong gian thờ, người Thái gọi là “hỏng hóng” sau đó rót rượu vào 2 chén rượu thờ, thắp 3 nén nhang và có lời báo cáo với ông bà tổ tiên. “Thưa ông bà tổ tiên, hôm nay con cháu sẽ dọn bàn thờ ăn Tết, con cháu đến báo cáo với ông bà tổ tiên, cầu mong ông bà tổ tiên đừng trách phạt con cháu, lát nữa con cháu sẽ đến cúng cơm cho ông bà tổ tiên”,  ông Cà Văn Hịch, ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La cho biết nội dung lời cúng.

Sau khi thắp hương xong, chờ hương cháy hết thì gia chủ sẽ tiến hành dọn bàn thờ, bỏ ra ngoài tất cả những lễ vật đã dâng lên trước đó, như cành đào, 2 cây mía dựng trong bàn thờ và các loại hoa quả, bánh chưng, bánh kẹo, nước ngọt, chỉ để lại bát hương và 2 chén rượu thờ. Trong một năm lao động sản xuất, gặt hái được những thành công trong cuộc sống, đến khi Tết đến xuân về, đồng bào Thái thường chuẩn bị nhiều lễ vật mà gia đình làm ra được để dâng lên ông bà tổ tiên,  bầy tỏ lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên đã phù hộ cho gia đình ăn nên làm ra, con cháu mạnh khoẻ, gia đình ấm no.

Trong khi gia chủ và những người đàn ông trong gia đình đang làm thủ tục dọn bàn thờ, thì những người phụ nữ trong gia đình sẽ chuẩn bị những món ăn cho bữa trưa. Ngoài các món ăn được chuẩn bị từ trước Tết như thịt khô, lạp sườn, cá giảng,… thì trong mâm cơm người Thái còn chuẩn bị thêm các món ăn khác như thịt gà, lạp trâu, gỏi cá, thịt lợn nướng, thịt lợn nộm lá nhội, rau nộm, rau sống,…

Sau khi chuẩn bị các món ăn xong, gia đình sẽ xắp một mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, người Thái gọi là “Pạt tông”. Trong mâm cơm cúng ông bà tổ tiên sẽ gồm có hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt và không thể thiếu thịt gà, thịt lợn, thịt khô, thịt băm nướng lá, sôi, bánh chưng, 2 bát canh, một đĩa muối trắng, một nắm đũa to, 7 hoặc 9 chén rượu. Sau khi chuẩn bị xong gia chủ sẽ bê mâm cơm vào trong gian thờ, mâm cơm sẽ được đặt trước bàn thờ tổ tiên, sau đó gia chủ sẽ chia đũa và các chén rượu ra và rót rượu vào đầy các chén. Sau khi rót rượu xong gia chủ sẽ thắp 1 nén nhang và có lời khấn vái.  

“Kính thưa ông bà tổ tiên, năm hết Tết đến con cháu ăn nên làm ra, có lễ vật  để dâng lên ông bà tổ tiên. Mời ông bà tổ tiên rủ nhau xuống ăn Tết cùng con cháu, đừng bảo ai không biết, đừng bảo ai không nghe. Ăn xong cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu sang năm mới ai cũng mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, nói được nhiều người nghe, nhiều người nể, công tác tiến bộ. Cầu mong ông bà tổ tiên phủ hộ cho con cháu”, ông Cà Văn Hịch cho biết thêm.

Khấn vái xong, gia chủ sẽ đi ra ngoài gian thờ, chờ nén nhang cháy được một nửa thì vào bê mâm cúng ra ngoài. Sau đó mọi người mới bắt đầu xắp mâm cơm để tổ chức ăn Tết vui vẻ cùng anh em họ hàng, hàng xóm láng giềng. Ngồi trong mâm cơm đầy ấm cúng và rộn rã sắc xuân, gia chủ sẽ có lời mời, lời chúc tới tất cả mọi người và bắt đầu nâng chén rượu, chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp đầu xuân năm mới.

“Hôm nay gia đình tổ chức ăn Tết, mời anh em họ hàng, con cháu về chung vui, ăn Tết với gia đình. Cũng đến giờ ăn cơm, đáng ra phải có mâm cao cỗ đầy để mời anh em, con cháu mới nên mới phải, nhưng gia đình cũng không có gì, có chén rượu nhạt xin kính mới anh em nội ngoại, họ hàng, con cháu, sang năm mới ai cũng mạnh khoẻ, làm gì cũng thuật lợi, được như mong muốn của mình”,  ông Tòng Văn Xôm cho biết nội dung lời chúc.

Ngày dọn bàn thờ của gia đình đồng bào Thái đen trong dịp Tết cũng là dịp để con cái về đoàn tụ quây quần cùng cha mẹ, anh em họ hàng, hàng xóm láng giềng vui xuân đón Tết. Qua đó tình cảm gia đình, chòm xóm càng được vun đắp, không khí Tết càng vui tươi hơn./.

Theo Cà Thành/VOV-Tây Bắc

https://vov.vn/van-hoa/ngay-don-ban-tho-trong-gia-dinh-dong-bao-thai-den-post997957.vov