Có anh bộ đội rất thích khai thác đề tài mèo để viết bài cộng tác với báo chí. “Đó là vì tôi “có duyên” với loài mèo!”-anh nói.
Chả là, hồi học tiểu học, anh không may mắc bệnh quai bị, phải điều trị tại bệnh viện suốt hai tuần lễ, đúng vào thời gian học bài quan trọng về ngữ pháp tiếng Việt. Khi đi học trở lại, anh tập làm văn nhưng không biết chấm câu như thế nào, cứ viết được đoạn dài dài là hạ dấu chấm mà không cần biết chủ ngữ, vị ngữ ra sao. Ông nội anh-một nhà giáo nghỉ hưu-đã giúp anh bù đắp lỗ hổng kiến thức ấy. Ông lấy câu: “Tôi đang ăn. Con mèo nhảy qua bàn đuổi theo con chuột” rồi chuyển dấu chấm để thành: “Tôi đang ăn con mèo. Nhảy qua bàn đuổi theo con chuột” và phân tích để anh hiểu về sự ngắt câu cũng như vai trò của dấu chấm, dấu phẩy... Anh không bao giờ quên “ví dụ con mèo” ấy.
Những bài anh viết về mèo được báo sử dụng càng làm cho anh đam mê đề tài này. Thực hiện Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, đơn vị anh đẩy mạnh trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng lũ chuột thường xuyên cắn phá rau, củ, quả. Thấy vậy, một đồng chí về quê mang cả ổ 5 con mèo con lên đơn vị. Mèo lớn lên, theo bản năng “tung hoành” khắp nơi trong doanh trại để bắt chuột. Lũ chuột xanh mắt chuồn biệt tăm. Vườn rau lại yên ả, tươi tốt. Sự việc này được anh viết thành bài báo “Công mèo không nhỏ”... Có một Tết Mão, anh viết mẩu truyện vui “Cãi hộ mèo”. Ngày xưa, lâu lắm rồi, ở một cơ quan nọ, quản lý xuất 2kg cá để nấu bữa trưa. Người nấu bếp mang rán, ăn hết sạch rồi đề nghị quản lý xuất kho bù vào. Người quản lý hỏi số cá đã xuất lúc trước đâu, đầu bếp trả lời mèo ăn vụng hết rồi. Nghe vậy, người quản lý bèn bắt mèo đặt lên cân, thấy nặng đúng 2kg, liền nói: “Đây là cá. Thế mèo đâu?”. Từ đó, người đầu bếp bỏ hẳn thói “xà xẻo”...
|
Ảnh minh họa: Vietnam+
|
Viết về đề tài con mèo, anh cũng có một kỷ niệm vui vui. Nguyên do là, những bài viết của anh, kể cả đã được đăng báo hoặc chưa được đăng, anh đều chuyển cho người thân cùng đọc. Ai cũng thích thú, đọc kỹ và động viên anh. Đặc biệt, vợ anh luôn khuyến khích anh viết. Bỗng gần đây, mẹ vợ anh tỏ ra lầm lỳ, thậm chí có những lần giận dỗi, cáu bẳn khi anh mời bà đọc bài mới. Anh hỏi lý do khiến bà không vui thì bà liền trả lại tất cả những tờ báo in có đánh dấu bài của anh và nói: “Anh đọc lại đi, sẽ hiểu. Còn nếu không hiểu thì từ nay chấm dứt gửi báo cho tôi”. Anh ngỡ ngàng như thấy mặt trời mọc đằng Tây.
Hóa ra, viết nhiều bài về những mặt tốt của mèo, anh cũng đề cập những chi tiết nói về nết xấu, hình ảnh không đẹp vốn có của loài vật gần gũi này, như: “Trò mèo của những kẻ gian thương”, “Làm như mèo mửa”... Những bài báo mẹ vợ anh đánh dấu đều có những chi tiết như thế. Riêng với bài “Chất dinh dưỡng trong thịt tiểu hổ” anh viết để nghiên cứu chứ không đăng báo, được bà đánh dấu rất đậm. Anh gặng hỏi thì bà gắt: “Đi mà hỏi vợ anh ấy!”...
Nghe giãi bày, vợ anh cũng thoáng chút ngỡ ngàng rồi cười phá lên. Đoạn, chị thẽ thọt: “Mẹ sinh năm 1963, tuổi Mão! Nhớ lần em dạy con trai mình hát “Meo meo meo, rửa mặt như mèo. Xấu xấu lắm, chẳng được mẹ yêu”, mẹ nghe thấy, ra bộ tủi thân. Em phải dỗ mãi mới xong. Nhưng anh yên tâm. Em đã có cách để “cụ” hết giận...". Hôm sau, anh làm đúng theo cách vợ bày: “Con thưa mẹ! Do mẹ có tạng người trẻ lâu nên con cứ nghĩ mẹ sinh vào quãng năm 1970, 1971 chứ không nghĩ là mẹ tuổi Quý Mão 1963. Với lại... Thưa mẹ! Tuổi nào thì cũng có người tốt, người chưa thật tốt. Nhiều người cũng tuổi Mão nhưng làm gì cũng vụng chứ đâu được khéo như mẹ. Con viết vào bài báo về những nết xấu của loài mèo là cũng có ý nhắc vui ai còn khuyết điểm thì phải rèn luyện để tiến bộ, để theo kịp mẹ...”.
Thật là kỳ diệu! Mọi sự trở lại bình thường, còn vui hơn cả trước. Ôi! Tuổi Mão thật đáng yêu!
Theo PHẠM XƯỞNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-quy-mao-2023/bao-quan-doi-nhan-dan-hang-ngay-xuan-quy-mao/cong-tac-vien-viet-ve-meo-716970