Cách đây chừng 4.000 năm, dòng họ mèo sống hoang dã trong thiên nhiên. Nhờ con người thuần hóa, bây giờ chúng trở thành thú cưng trong các gia đình.
Mèo có hình dáng nhỏ bé, nhưng lại được các nhà động vật học phong chúng làm trưởng họ - gọi là họ Mèo. Các mãnh thú to lớn như hổ, báo, sư tử đều phải ghi trong "sơ yếu lý lịch" rằng chúng họ Mèo. Vì thế khi chúng ta gọi hổ là "chúa sơn lâm", thì họ hàng nhà mèo được tấn phong là "tiểu hổ"!
Mèo có thuật phi thân!
"Chúa sơn lâm" tuy to lớn, nhưng kém "tiểu hổ" ở chỗ không thể trèo cao. Phi lên nóc nhà là chuyện bình thường, thậm chí leo hẳn lên ngọn cây cao chót vót vẫn là chuyện nhỏ đối với dòng họ mèo. Chúng ta hay nói "trèo cao ngã đau" nhưng mèo lại khác, chúng có thuật phi thân, nên từ trên cao rơi xuống đất nhẹ nhàng mà không bị một tổn thương nào.
Các nhà động vật học cho rằng đó là do cấu trúc đặc biệt của cơ thể mèo, rất linh hoạt và có thể bình thường sau một cú phi xuống rất cao - kỷ lục có thể cao 38 tầng! Tuy nhiên, nếu chúng không chú ý, thì vẫn có thể bị tổn thương khi ngã xuống từ độ cao 5 - 6m.
Khả năng tự chữa bệnh và thuyết "cửu mệnh quái miêu" của mèo
Nước Mỹ có khoảng 86,4 triệu con mèo cưng. Có khoảng 33% gia đình Mỹ nuôi ít nhất một con mèo, 52% nuôi từ một con trở lên, trong đó mèo cái chiếm 80%. Chi phí tiêm phòng, khám bệnh định kỳ cho mỗi chú mèo trong một năm khoảng 219 USD. Bệnh viện thú cưng mọc lên ở khắp các bang.
Tại các bệnh viện thú cưng, các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra rằng: bất kể là mèo nhà hay mèo hoang, sau khi bị thương, chúng đều sẽ phát ra tiếng ngáy khò khè. Tiếng ngáy khò khè này phát ra từ cổ họng, có ích cho chúng trong việc tự chữa trị các vết thương từ ở xương cho đến những tổn thương bên trong nội tạng của mèo. Các nhà khoa học Mỹ đưa ra giả thuyết rằng, nếu cơ thể chúng ta phát ra sóng âm giống như tiếng ngáy của loài mèo, sẽ rất có lợi cho việc cải thiện tố chất xương của con người.
Do loài mèo có thể mượn sóng âm phát ra của mình để chữa trị vết thương, nên truyền thuyết về "cửu mệnh quái miêu" vốn không phải là điều hoang đường gì nữa. Trong quyển kinh Phật "Thượng Ngữ Lục" lại chỉ ra càng rõ ràng hơn: "Mạng mèo có chín cái là thông, linh, tĩnh, chính, giác, quang, tinh, khí, thần"!
Mèo có thị lực siêu đẳng, có thể nhìn xuyên bóng đêm!
Mèo được di truyền khả năng săn mồi để duy trì sự sống. Là loài chuyên săn mồi đêm, nên chúng sẽ cần một đôi mắt có thị lực tốt, và khả năng nhìn xuyên bóng tối. Để có khả năng này, cơ thể mèo cần nạp đủ một loại axit amin được gọi là taurin (axit diaminethanosunfonic).
Đến đây, nhiều người sẽ hỏi: tại sao mèo bắt chuột? Bởi taurin có nhiều trong chuột, nên mèo ăn thịt chuột để bổ sung taurin cho cơ thể. Sẽ có bạn bảo: không, mèo nhà tôi thích ăn cá. Cũng đúng, vì cá chứa nhiều taurin!
Mèo "yêu đương" ra sao để duy trì nòi giống?
Mèo cái khoảng 7 tháng tuổi thì động dục. Chúng rậm rực trong thời gian chừng 3 - 5 ngày, lúc này mèo cái luôn thấy "nóng trong người", thường phát ra tiếng kêu "meo, meo" não nề, rồi liếm lông, giơ hai chân trước lên... như một cách phát tín hiệu cho mèo đực.
Trong khi đó mèo đực "dậy thì" chậm hơn mèo cái chừng 2 - 3 tháng. Chàng mèo khác với cậu cún là không "làm ăn" lộ thiên trước mắt bàn dân thiên hạ, mà chúng rủ nhau lên nóc nhà, hay đến nơi mà con người khó nhìn thấy, để thoải mái yêu đương.
Nhà nào nuôi mèo cũng biết, chúng chọn địa điểm hẹn hò kín đáo, nhưng khi "hành sự" lại rất ồn ào: mèo cái sẽ la hét, kêu gào, hoặc trở nên rất hung dữ trong hoặc ngay sau khi giao phối với mèo đực. Lý do cho hành vi hung dữ này, là do "cậu nhỏ" của mèo đực có một ít ngạnh/gai trên đó. Khi đưa "cậu nhỏ" vào, các gai sẽ nằm phẳng; nhưng khi rút ra, các gai sẽ dựng lên, cào cấu vào âm đạo của mèo cái, gây đau. Do đó, mèo cái phản ứng bằng cách tấn công con đực. Vì thế, mèo đực phải rất cẩn thận để không bị thương.
Các cậu chàng thường dùng miệng ngoạm nhẹ lấy cổ con cái, như một cử chỉ xoa dịu nỗi đau của bạn tình. Với mèo cái, động tác giao phối sẽ kích thích trứng rụng, tuy nhiên ít khi trứng rụng trong lần giao phối đầu tiên. Đây là lý do mèo cái "làm ăn" liên tục từ 3 - 5 ngày, để có thể sinh ra một lứa mèo con.
Tại sao người ta ăn thịt mèo?
Cách đây chừng hơn 10 năm, ở phía Bắc bà con ta bắt đầu ăn thịt mèo. Đàn ông rỉ tai nhau "ăn thịt tiểu hổ mới là đẳng cấp!". Họ tán dương rằng "tiểu hổ tiềm ẩn một sức mạnh phi thường". Sức mạnh ấy thể hiện toàn thân bằng dáng chạy, khả năng phi thân lên cao, nhảy xuống đất, chứng tỏ "nội lực thâm hậu".
Còn với sinh lý mèo? Một cặp mèo "làm ăn hiệp một kéo dài 30 phút, chỉ cần nghỉ ngơi chừng 30 phút, chúng đã có thể "đá" hiệp hai!". Hồi sức nhanh như vậy, hẳn là trong cơ thể chúng có chứa một chất gì đặc biệt, thôi thì ta cứ "ăn gì bổ nấy!".
Ăn thịt tiểu hổ rồi, bộ xương cũng được bán để nấu cao tiểu hổ, vì người ta cho rằng trong xương mèo có chứa thành phần gì đó kỳ diệu với sức khỏe, không thua gì cao hổ cốt! Họ chắc mẫm uống món cao tiểu hổ sẽ chữa được đau nhức xương. Chả cần tài liệu nghiên cứu khoa học gì, cứ bia vào lời ra, quý anh thi nhau tung hô món "đặc sản". Có chút hơi cay vào, anh nào chả thấy máu chảy rần rần, rồi tung hô rằng "bổ ngang bổ dọc". Tây nghe ta ăn thịt thú cưng thì khiếp, "thịt heo, bò, gà thiếu gì mà các vị thịt luôn cả các "bạn hiền" trong nhà!".
Năm miu vàng, nên đối xử với miu miu thế nào?
Trong khi ở quán nhậu ngoài kia các "đệ tử Lưu Linh" tưng bừng cụng ly món "đặc sản tiểu hổ", thì lại có hàng chục quán cà phê thú cưng mở ra phục vụ nhu cầu... mềm xèo của các nàng, chàng thị dân. Các bạn trẻ đến đó vừa nhâm nhi cà phê hay sinh tố vừa ôm ấp, chơi đùa với cún cảnh, mèo cảnh. Ôm mèo cưng trong lòng thưởng thức tiếng kêu meo meo nũng nịu, bạn sẽ thấy mọi âu lo, căng thẳng trong ngày tan biến.
Túm lại, mèo là vật nuôi có ích, sạch sẽ, đáng yêu lại có khả năng bắt hoặc đuổi chuột. Nên chăng, chúng ta coi chúng như "bạn hiền" để tôn trọng, yêu quý, đừng đưa nó... lên mâm mà tội nghiệp. Một số cặp đôi còn đang mong năm Quý Mão sinh được mèo vàng, với hy vọng đứa trẻ lớn lên sẽ xinh xắn, lanh lợi và ngoan ngoãn như miu miu!
Theo TS.BS LÊ THÚY TƯƠI/cuoi.tuoitre.vn
https://cuoi.tuoitre.vn/nam-quy-mao-ke-chuyen-meo-2023012306510469.htm