Năm 2022, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã cụ thể hóa, triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng, nhất là các giải pháp đảm bảo vốn cho nền kinh tế.
Nguồn vốn tín dụng được điều hành một cách chủ động, linh hoạt đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngay từ những ngày đầu năm 2022, trước những ảnh hưởng của dịch Covid - 19, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ tín dụng, đặc biệt là chính sách tín dụng về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm phí, giảm lãi suất cho vay,…Qua đó đã mang lại hiệu quả trực tiếp cho khách hàng, doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn phục hồi và tăng trưởng.
Tính đến hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay tại các cơ sở tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt gần 115,8 nghìn tỷ đồng (tăng 13,4% so với cuối năm 2021), cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Đặc biệt, cho vay doanh nghiệp đạt 52.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 44% tổng dư nợ. Việc tăng trưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động của các doanh nghiệp, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.
Cùng với đó, năm 2023, ngành ngân hàng tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường thực hiện giao dịch trên ngân hàng điện tử, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn. Phấn đấu, tăng trưởng huy động vốn đạt từ 12% - 14%, tăng trưởng tín dụng từ 13% - 15%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ./.
Phương Liên