Cập nhật: 08/02/2023 08:35:00
Xem cỡ chữ

Hoạt động lễ hội Xuân và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân đang dần trở lại nét văn hóa đẹp như vốn có; nhiều tệ nạn, biến tướng trong các lễ hội đã được đẩy lùi.

Chuyen bien nep sinh hoat van hoa tai cac den chua, le hoi dau Xuan hinh anh 1

Đông đảo du khách thập phương tham dự lễ khai hội chùa Hương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sau một thời gian dài với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý trong việc lập lại nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng văn minh, lành mạnh, tại các điểm tâm linh trên địa bàn Hà Nội như đền, chùa, phủ và các lễ hội Xuân đã có những chuyển biến đáng kể.

Không gian tín ngưỡng cũng như ý thức người dân dần được cải thiện; những tệ nạn, biến tướng đã được đẩy lùi; hoạt động lễ hội Xuân và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân đang dần trở lại nét văn hóa đẹp như vốn có từ trước đó.

Văn minh các điểm tín ngưỡng

Nhiều di tích nổi tiếng của Hà Nội như Phủ Tây Hồ, tổ đình Phúc Khánh, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Hương, Bia Bà... vốn thu hút rất đông người dân Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác đến hành lễ đầu năm.

Chuyen bien nep sinh hoat van hoa tai cac den chua, le hoi dau Xuan hinh anh 2

Dòng người hành hương lên chùa Hoa Yên, chùa Đồng trên núi Yên Tử. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Nhưng trong số này, rất nhiều điểm tâm linh trước đó, vốn là tâm điểm chú ý khi để xảy ra tình trạng lộn xộn trong công tác quản lý và tổ chức, khiến các cơ quan quản lý và truyền thông phải lên tiếng.

Còn tại mùa lễ hội năm nay, hầu hết các đền, chùa, phủ trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến trong việc nâng cao văn minh nơi thờ tự, không gian sạch đẹp, gọn gàng, người dân đi lễ văn minh hơn, những người quản lý di tích luôn túc trực để hướng dẫn người dân hành lễ đúng quy định.

Đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm), một trong Tứ trấn Thăng Long dù nằm trong khu phố cổ, diện tích bị hạn chế nhưng trong ngày đầu năm vẫn luôn tấp nập người đến lễ. Đền cũng là Di tích quốc gia đặc biệt nên công tác quản lý, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân luôn được coi trọng.

Sân và khu nội tự sạch đẹp, sắp xếp gọn gàng, người dân đến lễ chỉ được thắp 1 nén nhang vào cây hương ngoài sân. Người dân vào lễ với trang phục lịch sự, đồ lễ đặt các ban thờ cũng được bố trí gọn gàng, không còn tình trạng tiền "giọt dầu" để tràn lan.

Ông Nguyễn Hải Đường, Thủ từ đền Bạch Mã, cho biết sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lượng người tới lễ đền năm nay tăng cao. Từ ngày mùng 1 Tết đến Rằm tháng Giêng, Ban Quản lý di tích tăng cường 3 ca trực mỗi ngày để phục vụ người dân đến lễ, từ hướng dẫn người dân hành lễ, thu gom đồ lễ, vệ sinh di tích...

Ban Quản lý cũng đặt bảng hướng dẫn người dân đến lễ ngay trước cửa đền nên mọi người đều chấp hành nghiêm túc.

Chùa Tảo Sách (quận Tây Hồ), một ngôi chùa đẹp nằm ven hồ Tây cũng là điểm hấp dẫn người dân và du khách đến tham quan, lễ Phật. Với diện tích rộng rãi, khuôn viên chùa được trang trí, sắp đặt đẹp mắt. Khu nội tự được bố trí gọn gàng, tiền công đức được đặt đúng chỗ.

Những lúc đông khách, nhà chùa bố trí người thu gọn đồ lễ, tiền giọt dầu để đảm bảo không bị bừa bộn. Được hướng dẫn các quy định khi đến lễ chùa, người dân thực hiện trang nghiêm, không mang đồ mặn, không đốt vàng mã, trang phục lịch sự.

Dịp này cũng là thời điểm các lễ hội Xuân trên địa bàn Hà Nội tưng bừng diễn ra. Từ những lễ hội lớn mang tính liên vùng như: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Cổ Loa (huyện Đông Anh), Gò Đống Đa (quận Đống Đa)... đến các lễ hội quy mô làng xã như Lễ hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), lễ hội xin lửa làng An Định (quận Hà Đông), hội Chèo Tàu (huyện Đan Phượng)... đều thu hút đông người dân và khách thập phương cùng tham dự.

Nhưng đa phần các lễ hội này đều diễn ra trong sự văn minh, an toàn và đảm bảo các yếu tố truyền thống. Như chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Lê Văn Khương, việc tổ chức lễ hội mang tính giáo dục truyền thống tốt đẹp và đảm bảo an toàn. Các hoạt động lễ hội phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được ấn tượng tốt cho người dân và du khách, đồng thời bảo vệ được môi trường, cảnh quan.

Tăng cường quản lý, kiểm tra

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, tại một số di tích, lễ hội vẫn còn tồn tại không ít bất cập cần phải xử lý triệt để, Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội cần nâng cao công tác quản lý, hạn chế tối đa tình trạng này.

Năm nào cũng vậy, Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) luôn trong tình trạng đông nghẹt người đến lễ trong những ngày đầu năm. Từ mùng 1 Tết đến nay, điểm tâm linh này thu hút hàng chục vạn người đến hành lễ, thậm chí có thời điểm quá tải. Hàng quán bán đồ lễ dọc đường vào Phủ chen chúc nhau, thậm chí nhiều hàng còn bày đồ phóng sinh tràn lối đi.

Do không gian di tích chỉ ở một giới hạn nhất định, người đến lễ đông nên không thể tránh khỏi tình trạng lộn xộn trong việc đặt đồ lễ, đặt tiền giọt dầu, đồ cúng bị rơi vãi ra sàn và sân di tích.

Tại khu nội tự, tình trạng đặt tiền lẻ dưới chân tượng vẫn còn nhiều... Ban Quản lý di tích đã phải tăng cường người thu gom tiền lễ, đồ lễ, dọn vệ sinh khu vực sân Phủ.

Chuyen bien nep sinh hoat van hoa tai cac den chua, le hoi dau Xuan hinh anh 3

Du khách trảy hội chùa Hương trên dòng suối Yến. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Lễ hội chùa Hương cũng luôn được các cơ quan quản lý thành phố cũng như huyện Mỹ Đức đặc biệt chú trọng do quy mô lớn, thời gian kéo dài, thu hút hàng triệu lượt du khách trẩy hội.

Dù năm nào, Ban Tổ chức lễ hội cũng nâng cao khả năng quản lý, tổ chức để đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, an toàn xong vẫn không tránh khỏi những bất cập. Tình trạng thuyền đò chở quá số người theo quy định, chèo kéo khách, đặt tiền lẻ tràn lan tại các điểm tâm linh vẫn còn.

Từ ngày 27/1 (tức mùng 6 tháng Giêng) đến hết ngày 2/2, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 30 chủ thuyền, đò với lỗi không trang bị áo phao cứu sinh và giỏ đựng rác; đình chỉ hoạt động 7 trường hợp sử dụng xuồng máy không có giấy phép, lập biên bản thu giữ 7 bình ắc quy.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thực hiện kiểm tra 29 di tích, lễ hội trên địa bàn thành phố, nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, việc kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm lợi dụng di tích lễ hội để trục lợi, lưu hành kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống, các hoạt động có dấu hiệu mê tín dị đoan trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm nếp sống văn minh.

Thời gian kiểm tra tập trung trong tháng Giêng và kéo dài đến khi hết lễ hội Xuân./.

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/chuyen-bien-nep-sinh-hoat-van-hoa-tai-cac-den-chua-le-hoi-dau-xuan/844071.vnp