Cập nhật: 08/02/2023 09:22:00
Xem cỡ chữ

2022 là năm đầu tiên tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh vượt mốc 40 nghìn tỷ đồng, trong đó cơ cấu thu có trên 80% đến từ sản xuất kinh doanh, điều đó thể hiện sự bền vững của nền kinh tế. Vĩnh Phúc luôn nhất quán quan điểm không khuyến khích tăng nguồn thu từ đất, tài nguyên mà phải đến từ sản xuất.

Theo Tiến sĩ Ngô Thị Cẩm Linh, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc, số thu đến chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh phản ánh sự bền vững của nền kinh tế và sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, trong một năm rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, xung đột giữa một số nước, giá cả nguyên vật liệu tăng cao thì kết quả đó còn thể hiện sự hiệu quả đến từ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, tổng thu nội địa của Vĩnh Phúc đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó nguồn thu từ sản xuất chiếm tỉ trọng cao, thể hiện sự bền vững của nền kinh tế. Trong khi đó một số tỉnh, thành thu trên 50.000 tỷ đồng nhưng hơn 50% nguồn thu là từ đất.

Trong năm 2023, để duy trì nguồn thu ngân sách đến chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hoàn thành mục tiêu tổng thu ngân sách gần 32.400 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa khoảng 27.400 tỷ đồng trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, ngành thuế Vĩnh Phúc cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể từ việc giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho từng phòng, ban đơn vị theo từng tuần, từng tháng, từng quý và thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện. Đồng thời, quyết liệt triển khai các giải pháp khác một cách đồng bộ.

Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho địa phương, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách được HĐND tỉnh giao năm 2023./.

Hải Đăng