Cập nhật: 10/02/2023 07:24:00
Xem cỡ chữ

Rất nhiều người chủ quan khi bị rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời dẫn đến bệnh lý mãn tính và các bệnh liên quan khác ở đường tiêu hóa.

Cùng tìm hiểu để có những kiến thức cơ bản về bệnh rối loạn tiêu hóa, nguyên nhân, triệu chứng và có phác đồ điều trị bệnh để chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Rối loạn tiêu hóa mãn tính và những phương pháp điều trị hiện có - Ảnh 1.

Xu thế ngày càng nhiều người mắc các bệnh đường tiêu hóa; các bệnh lý về rối loạn đường tiêu hóa, rối loạn bài tiết a-xít dịch vị cũng gia tăng

Ngày càng nhiều người mắc các bệnh đường tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một biểu hiện bất thường ở hệ tiêu hóa, có thể xảy ra ở mọi giới tính, lứa tuổi, không phân biệt và không có ngoại lệ. Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; nguyên Tổng Thư ký Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam nhận định, xu thế ngày càng nhiều người mắc các bệnh đường tiêu hóa; các bệnh lý về rối loạn đường tiêu hóa, rối loạn bài tiết a-xít dịch vị cũng gia tăng. Bệnh về đường tiêu hóa trở nên rất phổ biến, phát triển và biến đổi có nhiều nguyên nhân, đầu tiên phải kể đến thói quen ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh, môi trường ô nhiễm...

Tiêu hóa là quá trình chuyển hóa thức ăn thành những chất có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa để vào máu. Khởi nguồn của quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng cho đến ruột già. Bất kỳ nguyên nhân nào làm thay đổi, cản trở, đảo lộn quá trình tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa đều được xác định là hiện tượng rối loạn tiêu hóa.

Tuy nhiên, căn nguyên của các rối loạn tiêu hóa mãn tính hiện chưa có. Không có nguyên nhân thực thể nào có thể được tìm thấy trong các xét nghiệm, chụp X-Quang và sinh thiết. Các yếu tố liên quan đến cảm xúc, chế độ ăn uống, thuốc hoặc hormone cũng có thể thúc đẩy hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa.

Phải khẳng định rằng rối loạn tiêu hóa không phải là một bệnh lý, đó là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Tình trạng này kéo dài, không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến mãn tính, theo thời gian thêm trầm trọng và phát sinh các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa, nguy hiểm nhất là ung thư đường ruột.

Rối loạn tiêu hóa mãn tính và những phương pháp điều trị hiện có - Ảnh 3.

Khi đại tiện bất thường là do sự rối loạn chức năng đào thải của hệ tiêu hóa, lâu dần sẽ khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái tâm lý chán chường, suy nhược, mệt mỏi

Triệu chứng đặc trưng của rối loạn tiêu hóa mãn tính

Rối loạn chức năng ruột bao gồm một loạt các rối loạn tiêu hóa mãn tính đặc trưng bởi các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, đầy hơi, chướng bụng; hoặc những dấu hiệu bất thường trong thói quen đi tiêu như táo bón, tiêu chảy, đại tiện nhiều lần trong ngày… Những triệu chứng này là do rối loạn chức năng vận động cơ đường tiêu hóa do cơ chế ngoại vi hoặc Trung ương. Trong đó, ở trường hợp táo bón có thể được giải thích bởi sự giảm nhu động ruột và tiêu chảy có thể được lý giải bởi sự tăng nhu động ruột.

Phân tích dưới góc độ y khoa, khi đại tiện bất thường là do sự rối loạn chức năng đào thải của hệ tiêu hóa, lâu dần sẽ khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái tâm lý chán chường, suy nhược, mệt mỏi. Phần đông người bị rối loạn tiêu hóa sẽ dẫn theo đau bụng âm ỉ, với những cơn đau dai dẳng, lan rộng ở vùng bụng trên/dưới, vùng dạ dày.

Đặc biệt khi ăn đồ chua, cay, nóng… sẽ dẫn đến chướng bụng do thức ăn không được tiêu hóa hết, ùn ứ trong ống tiêu hóa gây nên hiện tượng này. Khi đường tiêu hóa được "kích thích" đến đỉnh điểm sẽ dẫn đến cảm giác buồn nôn, ói mửa. Cuối cùng là cảm giác chán ăn xuất hiện, miệng đắng…

Thực tế như đã đề cập ở trên, rất nhiều người đều cho rằng đây là hiện tượng thông thường, phần do chủ quan nên nghiễm nhiên bỏ qua với suy nghĩ, từ từ sẽ hết mà không biết rằng theo thời gian bệnh đã chuyển sang mãn tính.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên giảng viên cao cấp trường Đại học Y Hà Nội; nguyên Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai phân tích: "Nhận thức của người dân đối với tầm quan trọng của sức khỏe đường tiêu hóa chưa cao. Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh, điều trị bệnh theo yêu cầu của bác sĩ không được thực hiện một cách đầy đủ và khoa học dẫn đến những biến chứng nặng hơn. Có trường hợp, phát hiện bệnh, nhưng vì chủ quan nên dùng các đơn thuốc qua truyền miệng, người khác mách mà không khám chữa tại các cơ sở y tế cũng khiến bệnh lý nặng hơn".

Các giải pháp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Các phác đồ điều trị hiện có để điều trị các rối loạn chức năng ruột, mà ở đây là bệnh rối loạn tiêu hóa mãn tính bao gồm quản lý chế độ ăn uống và sử dụng thuốc - thuốc kháng cholinergic và các thuốc có tác dụng ở các thụ thể serotonin.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, các bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa mãn tính nên tuân theo chế độ ăn bình thường. Các bữa ăn không nên quá nhiều và ăn chậm và đúng giờ giấc. Giảm hoặc loại bỏ đậu, bắp cải và các loại thực phẩm khác có chứa carbohydrate lên men; giảm tiêu thụ đồ ngọt…. Bệnh nhân có tình trạng không dung nạp lactose nên giảm lượng sữa và các sản phẩm sữa. Thêm vào đó, chế độ ăn ít chất béo có thể giảm triệu chứng đau bụng sau ăn. Hãy uống nhiều nước và bổ sung chất xơ để có thể làm mềm phân và cải thiện tình trạng táo bón. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều chất xơ có thể dẫn đến đầy hơi và tiêu chảy, vì vậy liều lượng chất xơ phải tuỳ theo thể trạng cá nhân cụ thể.

Các loại thuốc cho rối loạn cơ bản của ruột như táo bón, tiêu chảy… được bổ sung khi cần thiết bằng cách kiểm soát cơn đau. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu và kích thích, chất kích thích bài tiết và chất chủ vận thụ thể serotonin 5-HT4 được chấp thuận để điều trị táo bón. Loperamide, chất kháng cholinergic, rifaximin, chất liên kết với a-xít mật, eluxadoline và clonidine được sử dụng để điều trị tiêu chảy…

Cuối cùng, một triết lý được các chuyên gia y tế khuyến cáo mà bất kỳ ai cũng cần phải đặc biệt lưu ý, đó là đường ruột khỏe mạnh là "chìa khóa" cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Theo Hà Anh/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-roi-loan-tieu-hoa-man-tinh-169230206162825873.htm