Cập nhật: 13/02/2023 07:51:00
Xem cỡ chữ

Mỗi năm đều có những chuyến tàu từ đất liền đến với huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), mang theo hơi ấm, tình yêu và niềm tin của đất liền ra với biển đảo Tổ quốc thân yêu!

Mang yêu thương ra đảo

6 giờ sáng một ngày đầu năm mới, sóng biển Trường Sa vỗ vào thân tàu oàm oạp. Sau tiếng loa phóng thanh: “Tàu thả neo, chuẩn bị hạ xuồng chuyển tải!” là những bước chân rầm rập của cán bộ, chiến sĩ hướng về phía cuối boong tàu. Chỉ ít phút nữa thôi, chúng tôi sẽ cập bến đảo Trường Sa, nghĩ vậy nên ai cũng quên hết mệt mỏi, lòng bồi hồi, xúc động...

Được mệnh danh là “bệnh viện di động trên biển”, Tàu 561 được đóng hoàn toàn theo công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), chịu được gió cấp 8. Thế nhưng, gặp thời tiết xấu, ngay cả lúc thả neo, con tàu cũng lắc ngang chao đảo. Vậy nên khi được thông báo đoàn chúng tôi sẽ di chuyển vào đảo Trường Sa Đông bằng ca nô cao tốc và xuồng chuyển tải 3,5 tấn thì quả là một thử thách. Chiếc cần cẩu gầm gừ thả tời hạ xuồng chuyển tải xuống mặt nước. Phía trên boong tàu các vật phẩm, hàng hóa được xếp theo từng chủng loại chờ hạ xuồng. Hai đồng chí quân nhân hải quân to khỏe đứng trên hai đầu xuồng, tay nắm chặt dây thừng nối với tàu để giữ thăng bằng. Công việc hạ xuồng chẳng dễ dàng. Sóng lừng ầm ì dưới đáy sâu đẩy xuồng chồm lên đánh mạnh vào mạn tàu nghe bồm bộp, có lúc lại đánh xuồng dạt ra xa, khiến bàn tay lính đảo như chiếc ròng rọc điều khiển dây thừng. Như người nhạc trưởng tài nghệ, thuần thục trước sóng gió, từng mặt hàng được lính đảo vận chuyển lên xuồng an toàn.

Nhóm nhà báo chúng tôi được lệnh xuất phát trên chuyến ca nô đầu tiên, do Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân làm trưởng đoàn. Tàu dừng cách đảo Trường Sa Đông khoảng 500m, đúng hôm sóng to, gió quật mạnh. Ca nô vừa chạm sóng đã bị đẩy ra xa. Vất vả lắm ca nô mới vào đến gần đảo thì bất ngờ nhận thông tin từ bộ đàm: “Sóng to nguy hiểm, yêu cầu ca nô quay lại không vào đảo, chờ thời tiết tốt vào sau”. Vậy là ca nô quay trở lại. 

Sóng cả là thế, nhưng cả hành trình, gương mặt Thượng tá Dương Chí Nguyện vẫn bình thản. Anh bảo, ngày đóng quân trên đảo Đá Tây, không ít lần tàu phải neo cả mấy ngày trời mới vào được đảo. Lính đảo phải đứng trên bờ cột dây vào từng can nước ngọt, rồi kéo vào đảo. Có đoàn văn công thăm nhà giàn, sóng to chẳng lên được, đành hát qua hệ thống loa cho bộ đội nghe, nhưng chỉ hát được vài câu đã nghẹn ngào xúc động. Vất vả gian lao có lẽ những người lính đảo mới thấu hiểu, nhưng tựa như cây phong ba trước gió, các anh vẫn kiên cường khắc phục khó khăn, hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng nơi đầu sóng.

Trường Sa ăm ắp tình người

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đọc Báo Quân đội nhân dân. 

Đến với Trường Sa mỗi người đều chất chứa những cảm xúc thiêng liêng. Vừa có mặt trên đảo, chị Phương Hoa, thuộc Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang như quên hết mệt mỏi, xúc động trò chuyện với những chiến sĩ mười tám, đôi mươi như con cái của mình. Sau mỗi bữa ăn từ lúc lên tàu hay ở đảo, chị đều nán lại sau cùng gói ghém những đĩa thức ăn thừa, rồi dọn bát đĩa, bê xuống tận phòng bếp và rửa cùng bộ đội. Món quà Tết mà chị Hoa mang ra Trường Sa lần này là những gói hạt giống như cải, rau muống, để lính đảo có thêm rau xanh. Là thành viên của Câu lạc bộ yêu sách tỉnh Bắc Ninh, biết trên đảo Trường Sa có nhiều em nhỏ nên trước khi ra đảo, anh Lê Xuân Me, phóng viên Báo Bắc Ninh vận động các thành viên câu lạc bộ đóng góp những quyển sách viết về tuổi thơ. Anh Me cũng lên Hà Nội tìm mua những sách hay để mang ra đảo trao tận tay các em nhỏ. Món quà nhỏ nhưng chất chứa tình người nên người trao, người nhận đều ấm lòng.

Chở về khát vọng, niềm tin

Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao lính đảo gọi Tàu 561 là chuyến tàu mùa xuân. Bởi không chỉ mang theo hàng hóa Tết mà chuyến tàu ấy còn chở những khát vọng tuổi trẻ ra đảo, chở những mùa xuân đoàn tụ khi người lính đảo trở về. Gương mặt đen sạm vì nắng gió, dưới ánh trăng biển lấp lóa, trông chiến sĩ Trần Thanh Toàn, ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) chững chạc hơn độ tuổi 19. Cuối năm 2021, đang là thợ sửa máy tại một gara ô tô ở Quy Nhơn (Bình Định), Toàn giấu ba mẹ đăng ký nhập ngũ, tình nguyện ra đảo Trường Sa. Chúng tôi hỏi: “Biết Trường Sa sóng gió, vất vả sao em vẫn tình nguyện ra với đảo?”. Toàn cười giòn để lộ hàm răng khểnh hóm hỉnh, rồi bồi hồi nhớ chuyện. Năm 2009, trận lụt lịch sử khiến nhà Toàn nước ngập đến tận nóc, gia đình phải nhịn đói cả mấy ngày trời. Đang lúc hiểm nguy thì các chú bộ đội trên máy bay trực thăng thả hàng hóa cứu hộ xuống rồi đưa xuồng vào cứu cả nhà em và bà con. Từ ngày ấy, Toàn chỉ thầm mong trở thành người lính. Hôm vào đảo Trường Sa Đông nhận nhiệm vụ, Toàn thổ lộ: “Biết tin em đi bộ đội ở Trường Sa, ba mẹ cũng bất ngờ. Em hứa với ba mẹ sẽ làm thật tốt nhiệm vụ. Tiền phụ cấp trên đảo em dành một phần để nuôi em gái đang học Trường Đại học Văn hiến (TP Hồ Chí Minh)”. Nhìn nụ cười tươi rói của Toàn, tôi càng thêm khâm phục tâm hồn trong trẻo và đầy khát vọng của người lính đảo Trường Sa.

Tàu về gần đến đất liền, ai cũng mừng vui, vậy mà trong ánh mắt của Đại úy QNCN Hoàng Bá Đông, đảo Trường Sa nặng một nỗi buồn sâu như biển cả. Chúng tôi gạn hỏi mãi anh Đông mới chia sẻ câu chuyện của mình. Tháng 10-2021, anh Đông nhận lệnh lên đường ra Trường Sa. Đang trong những ngày cách ly Covid-19 tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) thì anh Đông hay tin mẹ đẻ bị tai biến, không qua khỏi. Nặng gánh hai vai, một bên là Tổ quốc, một bên là báo hiếu mẹ... Được cấp trên, đồng đội an ủi, anh Đông nén đau thương tiếp tục hành trình ra đảo. Đơn vị lập một ban thờ nhỏ để anh và đồng đội thắp nén tâm nhang vái vọng mẹ. Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, được vài ba tháng công tác trên đảo thì anh Đông hay tin em trai ruột không qua khỏi trong một vụ tai nạn lao động. Một lúc mất đi hai người ruột rà máu mủ, gánh chịu nỗi đau quá lớn nhưng cuối cùng anh Đông đã vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chuyến tàu trở về lần này cũng là lần đầu tiên anh Đông về thắp nén nhang lên ban thờ mẹ và em trai.

Cũng trên chuyến tàu mùa xuân này, suốt cả dặm dài từ đảo Trường Sa về đất liền, Trung úy QNCN Nguyễn Thế Mai, điều dưỡng viên Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) luôn nhắc đến vợ con. Anh Mai khoe: “Tết này về nhà, vợ chồng em mới tổ chức đám cưới! Con em được gần một tuổi rồi nhưng em chưa được trực tiếp nhìn thấy mặt con”. Chuyện là, năm 2021, lúc anh Mai chuẩn bị tổ chức đám cưới với nữ điều dưỡng Nguyễn Thảo Ngân, Bệnh viện Quân y 175 thì hai vợ chồng được lệnh lên đường đi chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Chống dịch xong, vừa đăng ký kết hôn thì tháng 11-2021, Mai nhận quyết định lên đường ra đảo Trường Sa công tác, vì thế vợ chồng xin khất gia đình ngày về sẽ làm đám cưới. Ngày nhận tin vợ sinh con đầu lòng, anh Mai mừng đến bật khóc. Cũng vì điều kiện không có sóng 3G nên chưa được thấy mặt con. Xuân này, vợ chồng Mai về quê ở Nghệ An tổ chức đám cưới rồi vào Bệnh viện Quân y 175 làm vài mâm cỗ báo hỷ. Tôi thấy trong nụ cười, ánh mắt của Mai cả một bầu trời khát vọng, niềm tin yêu...

Tàu vào vịnh Cam Ranh, chuẩn bị cập bến đất liền. Trong ánh bình minh lấp lóa khói sóng, cán bộ, chiến sĩ xếp hàng ngang trên boong tàu. Tôi nghe trong sóng gió văng vẳng lời ca: “Ôi! tôi đứng đây và cất cao lời ca. Như người lính kiên trung nơi đầu ngọn sóng. Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc. Đảo đang bừng lên, bừng lên sức sống mới...”.

Theo Bài và ảnh: PHẠM KIÊN/qdnd.vn

 https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/truong-sa-am-ap-tinh-nguoi-718535