Làng nghề mây tre đan ở xã Cao Phong, huyện Sông Lô đã có từ rất lâu. Trải qua thời gian, làng nghề đã có bước phát triển với nhiều sản phẩm phong phú, được khách hàng trong nước tin dùng và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Từ những sợi mây, qua bàn tay khéo léo của người thợ tạo ra những sản phẩm đẹp mắt với mẫu mã đa dạng.
Nghề mây tre đan đang được coi là thế mạnh trong phát triển kinh tế ở xã Cao Phong. Từ chỗ chỉ làm nghề truyền thống với sản phẩm đơn giản như thúng, mủng, rổ, rá.. đến nay sản phẩm mây tre đan của địa phương đã có nhiều mặt hàng mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ duy trì nghề truyền thống đan lát mà đời sống kinh tế của người dân ổn định, có điều kiện đóng góp vật chất trong phong trào xây dựng NTM ở địa phương.
Xác định làng nghề không chỉ có vai trò giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, xã Cao Phong luôn chú trọng công tác phát triển làng nghề, tuyên truyền Nhân dân đa dạng hóa sản phẩm theo hướng bám sát thị hiếu của người tiêu dùng, tăng cường việc liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng mạnh về xuất khẩu.
Có thể thấy, làng nghề mây tre đan truyền thống đã và đang từng ngày đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế chung cũng như hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương. Phát triển làng nghề truyền thống của địa phương đã phát huy tối đa nội lực của Nhân dân, tạo việc làm tại chỗ cho lao động, gắn với giữ gìn các phong tục tập quán, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đặng Thưởng