Vĩnh Phúc là vùng đất cổ giàu truyền thống trong cái nôi của văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Tín ngưỡng phồn thực cũng phát sinh và phát triển suốt chiều dài lịch sử của đất và người nơi đây. “Xuân thu nhị kỳ”, mỗi năm, các làng quê Vĩnh Phúc đều tổ chức các lễ hội náo nhiệt vào hai mùa là mùa thu và mùa xuân. Tuy nhiên, lễ hội mùa xuân ở Vĩnh Phúc chiếm đa số và tiêu biểu hơn cả.
Vào các ngày từ 12 đến 15 tháng giêng hàng năm, cán bộ và đông đảo Nhân dân đồng bào dân tộc Cao Lan xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc lại tổ chức lễ hội Lồng Tồng (Lễ hội xuống đồng), nhằm ôn lại các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời tạo nên bầu không khí phấn khởi, vui tươi cho đông đảo quần chúng Nhân dân, chuẩn bị cho một mùa vụ mới.
Lễ hội rước cây bông ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô gắn liền với đền Thượng, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi thờ tản viên Sơn Thánh. Một trong những vị Tứ bất tử cũng là vị thánh tổ nghề nông của Việt Nam.
Để ghi công đức của Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu cùng Quốc tổ mẫu Đào Liễu. Hằng năm Nhân dân xã Hồ Sơn, Tam Đảo lại long trọng tổ chức lễ hội Đền Chân Suối nhằm ngày 15 tháng giêng âm lịch. Lễ hội cũng là một trong những điểm nhấn về tâm linh, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, góp phần thúc đẩy không gian du lịch Tây Thiên - Tam Đảo.
Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật. Tổ chức lễ hội và đi lễ, vui hội mùa xuân là thể hiện mong muốn cho mùa màng tốt tươi, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trần Loan