Bất chấp khó khăn, đoàn Việt Nam phối hợp với các lực lượng chạy đua với thời gian để cứu nạn cứu hộ các nạn nhân sau trận động đất lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vượt lên khó khăn, chạy đua với thời gian để cứu các nạn nhân
Ngày 6/2/2023 một trận động đất mạnh 7,8 độ làm rung chuyển đất nước Thổ Nhĩ Kỳ và một số khu vực ở Syria với cường độ ngang với 32 quả bom nguyên tử đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Những tòa nhà đổ nát ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/2 sau trận động đất mạnh 7,8 độ. Ảnh: Stringer
Theo hãng tin AFP, tính đến ngày 14/2, tổng số người chết do động đất ở hai quốc gia này lên tới hơn 37.000 người. Hiện các đội cứu hộ của quốc tế và Thổ Nhĩ Kỳ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân có thể vẫn còn sống sót dưới đống đổ nát.
Chia sẻ khó khăn với Thổ Nhĩ Kỳ, từ chiều 9/2 Bộ Công an Việt Nam đã cử 24 cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ nhất sang Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân... giúp người dân bản địa khắc phục hậu quả và sớm ổn định đời sống sau thảm họa động đất. Ngoài ra còn hỗ trợ 2 tấn đồ y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ cấp cứu cho các nạn nhân và người dân.
Chia sẻ qua điện thoại trong lúc nghỉ, Thiếu tá Lại Tuấn Anh - cán bộ phòng Công tác cứu nạn, cứu hộ (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH) cho biết, ngay sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam được ban tổ chức, phân công thực hiện công tác tại tỉnh Adiyaman.
“Khi đến đây, chúng tôi nhận thấy tỉnh Adiyaman chịu ảnh hưởng rất nặng nề của trận động đất. Đa số các tòa nhà tại tỉnh Adiyaman đều bị ảnh hưởng từ nứt tường, sập đổ một phần cho đến sập đổ hoàn toàn. Tính đến thời điểm này, chúng tôi được phân công tại 2 hiện trường, nơi đây đều bị sập hoàn toàn. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi hiện trường bị sập rất rộng lớn. Chúng tôi phải sử dụng các thiết bị tìm kiếm cứu nạn như camera dò tìm người bị nạn trong đống đổ nát và radar tìm kiếm người để cố gắng tìm kiếm những nạn nhân còn sống sót. Sau đó sử dụng các phương pháp và biện pháp thủ công để dọn dẹp khối lượng đất đá khổng lồ một cách cẩn thận, tránh làm ảnh hưởng đến các nạn nhân khác và việc sập đổ thứ cấp cũng như an toàn cho người và phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ”, Thiếu tá Lại Tuấn Anh chia sẻ.
Thiếu tá Lại Tuấn Anh - cán bộ phòng Công tác cứu nạn, cứu hộ (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)
Một việc khó khăn nữa được Thiếu tá Lại Tuấn Anh cho biết là đoàn của Bộ Công an Việt Nam chỉ có 24 cán bộ, chiến sĩ nên phải chia ca để thực hiện công tác cứu nạn người, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ làm nhiệm vụ với khối lượng công việc khổng lồ.
Theo Thiếu tá Lại Tuấn Anh, đoàn cứu nạn cứu hộ của cảnh sát Việt Nam thường tổ chức công tác từ 8h sáng cho đến 22h đêm, thậm chí có khi đến hơn 1h sáng ngày hôm sau.
“Tại hiện trường có rất nhiều các lực lượng khác nhau như lực lượng cứu nạn cứu hộ quốc tế, các lực lượng tình nguyện viên, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Thổ Nhĩ Kỳ nên thường không có chỉ huy chung của tất cả các lực lượng. Việc sử dụng đa ngôn ngữ khi giao tiếp và quyết định các phương pháp, biện pháp hoạt động tìm kiếm cứu nạn cũng gặp rất nhiều các khó khăn. Đến thời điểm hiện tại thì chúng tôi cũng đã luôn nỗ lực tổ chức công tác cứu nạn, cứu hộ một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả và được nhân dân và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tình cảm rất lớn”, Thiếu tá Lại Tuấn Anh cho biết.
Thử thách dưới tiết trời -6 độ C và thiếu nước sạch
Do ảnh hưởng nặng nề của trận động đất gây ra nên tại tỉnh Adiyaman, hệ thống nước sạch, các nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của đoàn công tác của Việt Nam đều bị hạn chế rất lớn. Xác định được yếu tố trên, đoàn công tác đã chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng từ đồ ăn, nước uống, lều bạt cho đoàn công tác. Tuy nhiên, đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Một thành viên trong đoàn cứu hộ của Việt Nam ăn vội bánh mì tại hiện trường tòa nhà đổ nát. Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện tại là thời tiết, lúc này tại tỉnh Adiyaman nhiệt độ dao động từ -6 độ C cho đến 6 độ C. Cùng với đó là vấn đề nước sinh hoạt cũng rất là khó khăn.
“Chúng tôi phải sử dụng nước đóng chai để tắm rửa, nấu ăn và sinh hoạt hằng ngày và song song với đó thì chúng tôi cũng phải bảo đảm việc sử dụng nước một cách tiết kiệm nên các vấn đề về vệ sinh hằng ngày của chúng tôi cũng rất hạn chế. Các cửa hàng tiện lợi tại đây đều đóng cửa người dân di tản nên việc mua thực phẩm và bổ sung các thực phẩm như rau, củ, quả chúng tôi đều phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà cách chúng tôi khoảng hơn 1000 km để hỗ trợ và giúp đỡ”, Thiếu tá Lại Tuấn Anh cho biết thêm.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và bước đầu đã có kết quả
Trong tổ chức công tác cứu nạn, cứu hộ, đoàn đã phối hợp với các đơn vị quốc tế một cách nghiêm túc. Đoàn Việt Nam thực hiện theo theo hiện trường được phía Thổ Nhĩ Kỳ phân công phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác nhau, tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn theo đúng các yêu cầu của Ban tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam phối hợp với các lực lượng khác đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cung cấp)
Dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH - trưởng đoàn công tác, anh em trong đoàn luôn có sự phối hợp thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ một cách rất đoàn kết, đồng lòng, thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ và cả trong sinh hoạt. Bởi vì các cán bộ được cử đi đều là những người có kỹ năng kỹ thuật, có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.
Về kết quả bước đầu, Thiếu tá Lại Tuấn Anh cho biết thêm: “Chúng tôi đã phối hợp tìm kiếm cùng với lực lượng quân đội của Pakistan cứu được một người bị nạn còn sống và trực tiếp tìm kiếm được 6 thi thể người bị nạn, bàn giao cho các lực lượng y tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Công tác cứu nạn, cứu hộ được đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia”.
Theo Văn Ngân/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/doan-chien-sy-viet-nam-chay-dua-voi-thoi-gian-trong-gia-lanh-cuu-nan-tai-tho-nhi-ky-post1001681.vov