Cập nhật: 17/02/2023 07:34:00
Xem cỡ chữ

Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da tái phát, mãn tính. Với trẻ nhỏ, đây là căn bệnh thường gặp và thường khởi phát hoặc trở nặng khi thời tiết giao mùa, môi trường có sự thay đổi mạnh về nhiệt độ và độ ẩm.

Khuyến cáo cha mẹ không tự ý mua thuốc chữa viêm da

Viêm da cơ địa là bệnh không lây, nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, virus. Tùy thuộc vào từng lứa tuổi, bệnh sẽ gây ra những tổn thương ở những vị trí đặc hiệu như da mặt, đầu, và toàn thân.

Thời tiết nồm ẩm là nguyên nhân gia tăng các bệnh về da do vi khuẩn, nấm mốc như viêm da cơ địa, trứng cá, zona... Khi môi trường có sự thay đổi mạnh về nhiệt độ và độ ẩm, sẽ khiến cho da các bé rất dễ bị kích ứng, mất nước. Khi da bị khô sẽ gây ngứa ngáy, gãi nhiều, càng làm cho tình trạng viêm da cơ địa tăng lên. Bên cạnh đó, các dị nguyên hô hấp trong môi trường như phấn hoa, mạt bụi, lông súc vật, tiếp xúc hóa mỹ phẩm, vệ sinh kém... hay các dị nguyên thức ăn như sữa, trứng, hải sản... cũng có thể liên quan đến viêm da cơ địa trẻ em.

khong chu quan khi tre bi viem da co dia nhung ngay troi nom hinh anh 1

Bệnh nhi điều trị viêm da tại Bệnh viện Da liễu T.Ư

Theo chuyên gia da liễu, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ hiện chưa có con số thống kê, nhưng vào mùa Đông Xuân có thời tiết hanh khô, số bệnh nhân thường tăng lên đáng kể, đặc biệt là những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Trong khi đó, đa phần cha mẹ mắc sai lầm cứ nghĩ triệu chứng mẩn ngứa là bệnh đơn giản, chỉ cần tắm nước lá cho mát dịu, sau đó tự mua thuốc về bôi bệnh sẽ ổn, mà không biết rằng việc lạm dụng bôi thuốc sẽ ảnh hưởng khôn lường. Thậm chí nhiều bệnh nhi phải nhập viện vì tổn thương da nặng.

BSCKII Nguyễn Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu T.Ư lưu ý, tuyệt đối không mặc quần áo khi còn đang ẩm. Hãy sấy khô quần áo hoặc là kỹ mặt trái trước khi mặc, nhất là với trẻ nhỏ vì trời ẩm khiến quần áo sau giặt thường thiếu nắng, lâu khô khi mặc trên người dễ gây ngứa ngáy trên da. Cha mẹ cho trẻ mặc quần áo thoáng, thấm hút mồ hôi, hạn chế đồ len dạ, đồng thời thường xuyên vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ, khô thoáng. Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung rau củ quả để tăng sức đề kháng cơ thể, giúp da khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh.

“Nhiều trường hợp cha mẹ bôi thuốc cho con thấy đỡ ngay sau vài ngày và cứ nghĩ sẽ ổn, nhưng cha mẹ không hề biết thuốc đó là corticoid, làm dịu ngứa rất nhanh, nếu lạm dụng lâu ngày sẽ gây những tác dụng phụ như rạn da, teo da, rậm lông và kèm các yếu tố nhiễm khuẩn khác, gây biểu hiện mẩn ngứa toàn thân. Khi dùng thuốc kéo dài, dẫn đến việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Việc tắm lá, chà xát nhiều, khiến da của trẻ đã khô càng khô hơn. Khô da càng kích thích việc gãi nhiều, dẫn đến chảy nước, tiết dịch, nhiễm khuẩn... sẽ tạo thành vòng xoắn bệnh lý. Có rất nhiều loại thuốc như thuốc bôi được ở vị trí nào; bôi được bao nhiêu ngày... đều có hướng dẫn rất cụ thể”, BS Thùy khuyến cáo.

Triệu chứng và cách điều trị đúng

Theo BS Nguyễn Thanh Thùy, khi trẻ bị viêm da cơ địa sẽ có biểu hiện khô da, mẩn đỏ, ngứa ngáy gây khó chịu. Khi trẻ có biểu hiện khác thường về da, cha mẹ nên đưa con đi khám đúng chuyên khoa da liễu để được phát hiện sớm và có kế hoạch điều trị, quản lý bệnh hiệu quả nhằm giảm nhanh triệu chứng và hạn chế bệnh trở nặng hay tái phát. 

khong chu quan khi tre bi viem da co dia nhung ngay troi nom hinh anh 2

BSCKII Nguyễn Thanh Thùy thăm khám cho người bệnh tại Bệnh viện Da liễu T.Ư

“Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da tái phát, mãn tính. Khi hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, không ngăn cản được các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, các chất tẩy rửa sử dụng hằng ngày... khiến các bệnh lý về da vốn có hoặc mới có dễ bùng phát, bội nhiễm. Đó cũng là lý do bệnh viêm da cơ địa hay tái phát vào mùa Đông Xuân. Nếu tránh được các yếu tố như chà xát, cào gãi sẽ tránh vòng xoắn luẩn quẩn. Bên cạnh đó, việc giữ ẩm cho da cũng rất quan trọng”, BS Thanh Thùy cảnh báo.

Với những trường hợp trẻ bị chà xát nhiều cũng sẽ gặp khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị nội trú. Những tổn thương nặng, chảy nước, các bác sĩ sẽ kết hợp đắp thuốc để hút dịch; còn những tổn thương khô da nhiều sẽ băng gạc để giữ ẩm đồng thời hạn chế việc chà xát và gãi, giúp bệnh tiến triển tốt hơn.

“Triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa là các thương tổn da khô, đôi khi bong tróc, kèm theo ngứa và nổi ban đỏ tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa - gãi - ban đỏ - ngứa… Bệnh nhi cần hạn chế việc kỳ gãi và biết cách giữ độ ẩm cho da. Tránh điều hòa, lò sưởi, tắm lá và tuân thủ khám định kỳ sẽ giúp bệnh ổn định. Bởi tùy từng giai đoạn bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau”, BS Thùy khuyến cáo.

BS Thanh Thùy cũng cho biết, với trường hợp nặng toàn thân, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn máu thì phải có kế hoạch chăm sóc rất đặc biệt. Thậm chí phải cạo trọc đầu, bôi thuốc, băng gạc thường xuyên. Khi trẻ ở nhà, việc điều trị và chăm sóc vẫn cần tuân thủ đúng, ngay cả những tổn thương da đã ổn rồi thì việc giữ ẩm đúng cách vẫn phải duy trì thường xuyên. Vì da khô là cửa ngõ đầu tiên khiến bệnh viêm da dễ bùng phát.

Theo Thiên Bình/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/khong-chu-quan-khi-tre-bi-viem-da-co-dia-nhung-ngay-troi-nom-post1002126.vov