Giãn phế quản là một bệnh về phổi thường gặp ở người lớn tuổi. Giãn phế quản tiến triển nhanh kéo dài bởi những đợt cấp (ho, khạc đờm mủ, khó thở). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có thể có những biến chứng: viêm phổi tái phát, ho ra máu nặng, khó thở…
1. Giãn phế quản là gì?
Giãn phế quản là tình trạng giãn không hồi phục một phần của phế quản. Có thể giãn ở phế quản lớn trong khi phế quản nhỏ vẫn bình thường, hoặc giãn ở phế quản nhỏ trong khi phế quản lớn bình thường.
Giãn phế quản được chia thành: giãn phế quản hình túi, giãn phế quản hình trụ và giãn phế quản hình tràng hạt dựa trên giải phẫu bệnh lý.
2. Nguyên nhân gây bệnh giãn phế quản
Có rất nhiều nguyên nhân khiến phế quản của người bệnh bị giãn:
- Do tắc phế quản: Tắc phế quản do dị vật; Do u trong lòng phế quản; Tắc phế quản do sẹo cũ của các chấn thương, viêm nhiễm.
- Do viêm, hoại tử thành phế quản: Bị sau khi nhiễm khuẩn phổi như lao, viêm phổi do vi khuẩn, virus sởi, ho gà…
- Do dị tật bẩm sinh ở cấu trúc phế quản: Mắc hội chứng Kartagener, hội chứng Williams – Campbell…
- Giãn phế quản nguyên phát không rõ nguyên nhân.
3. Triệu chứng bệnh giãn phế quản
Khó thở và ho là triệu chứng điển hình của giãn phế quản.
Triệu chứng toàn thân phụ thuộc vào mức độ, nguyên nhân và biến chứng của bệnh. Người bệnh có thể có sút cân, thiếu máu...
Triệu chứng cơ năng:
- Khạc đờm: Đây là triệu chứng thường gặp. khạc đờm nhiều từ 500-1000 ml/24 giờ, đờm mủ, có khi hôi thối do vi khuẩn kỵ khí.
- Bệnh nhân sốt cao kéo dài, những đợt cấp thường có sốt và khạc đờm nhiều.
- Ho ra máu: Thường ho ra máu thể trung bình, tái phát nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm.
- Khó thở: Biểu hiện của suy hô hấp, có thể có tím.
- Đau ngực: Là dấu hiệu sớm của nhiễm khuẩn phổi ở vùng giãn phế quản.
4. Chẩn đoán thế nào?
- Khám phổi có thể không thấy gì hoặc nghe thấy ran ẩm, ran phế quản ở những vùng có tổn thương; Khám đường hô hấp trên: Có thể thấy viêm mũi họng mạn tính, viêm xoang mạn tính; Móng tay khum, ngón dùi trống...
- X-quang phổi thấy các đám mờ hình ống biểu hiện của các phế quản bị lấp đầy chất nhầy; Thành phế quản tạo thành các đường song song (đường ray); Thể tích của thùy phổi có giãn phế quản nhỏ lại; Có các ổ sáng nhỏ giống hình ảnh tổ ong… Hình ảnh viêm phổi tái diễn hàng năm xung quanh khu vực giãn phế quản./p>
- Soi phế quản: Để quan sát tình trạng lòng phế quản, phát hiện các phế quản bị gấp khúc, bị chít hẹp, xác định vị trí chảy máu, và hút dịch phế quản tìm vi khuẩn…
- Chụp cắt lớp vi tính: Để thấy rõ mức độ tổn thương.
- Cần phân biệt với các bệnh: Viêm phế quản có mủ, viêm phế quản mạn tính có giãn phế nang; Áp xe phổi; Lao phổi; Kén hơi ở phổi…
5. Các biến chứng nguy hiểm
Giãn phế quản nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn có thể khiến ổ giãn phế quản lan rộng, dẫn đến bội nhiễm tái phát, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như: áp xe phổi, mủ màng phổi, xơ phổi, khí phế thũng, mủ phế quản, nhiễm mủ phổi gây khó thở, suy hô hấp… thậm chí ảnh hưởng đến chức năng tim, gây suy tim.
- Suy hô hấp: Xảy ra khi phổi không cung cấp đủ oxy cho cơ thể ngay cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi.
- Suy tim phải: Gây khó thở thường xuyên và ngày một nặng dần.
- Gây viêm phổi tái phát.
- Có thể gây ho ra máu nặng, đe dọa tính mạng người bệnh do các cục máu lấp đầy đường thở.
6. Phòng bệnh giãn phế quản
Súc họng hàng ngày giúp phòng bệnh.
Việc phòng ngừa các tác nhân gây bệnh giúp đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh, đồng thời tiết kiệm được chi phí do việc điều trị khá phức tạp và tốn kém.
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả:
- Nên tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu hàng năm.
- Không nên hút thuốc lá, thuốc lào, tránh môi trường có nhiều khói bụi.
- Nên vệ sinh răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ hàng ngày.
- Nên điều trị sớm nếu mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng và các bệnh đường hô hấp: viêm phế quản cấp, áp xe phổi...
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giữ ấm cổ ngực…
- Đề phòng các đợt bội nhiễm đối với những người bệnh đã có tiền sử mắc bệnh.
- Nên đề phòng và lấy sớm các dị vật trong phế quản.
- Điều trị sớm lao sơ nhiễm ở trẻ em nếu có.
Theo BS. Nguyễn Văn Châu/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/nhung-bien-chung-nguy-hiem-cua-gian-phe-quan-169230218171921342.htm