Cập nhật: 28/02/2023 09:18:00
Xem cỡ chữ

Công đức khi đi lễ chùa hay đến các cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng đã là một thói quen từ xưa của người Việt. Chúng ta biết công đức là một khoản đóng góp tự nguyện hay nôm na như người dân vẫn nói là tùy tâm. Và việc quản lý, sử dụng tiền công đức hiện nay ra sao cũng là sự quan tâm của nhiều người dân với mong muốn số tiền công đức sẽ được sử dụng đúng mục đích, không bị trục lợi cá nhân.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát nên đầu Xuân năm mới rất nhiều người dân đã tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo, tùy tâm ủng hộ ít nhiều tiền công đức vào hòm hoặc ghi sổ với mong muốn việc làm của mình sẽ được trời phật chứng giám lòng thành cầu mong một năm sức khỏe, bình an, hạnh phúc cho gia đình, người thân.

Để quản lý tiền công đức của du khách thập phương được công khai, minh bạch, trong những ngày đầu Xuân diễn ra lễ hội, mỗi ngày UBND xã Tam Hồng sẽ mở công khai các hòm công đức trước sự giám sát của các thành viên, ban, ngành đoàn thể đại diện của địa phương, số tiền kiểm đếm được sẽ được vào sổ sách, chứng từ đầy đủ, mở tài khoản tại Ngân hàng theo đúng các quy định của pháp luật.

Ngoài ra để phòng, chống trộm cắp tài sản, Ban Quản lý di tích Đến Bắc Cung đã lắp đặt hệ thống các camera tại các vị trí trong Đền, nhất là tại các vị trí đặt hòm công đức, tất cả với mong muốn đảm bảo an toàn, công khai minh bạch tiền công đức của du khách thập phương.

Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, ước tính có trên 230 nghìn lượt du khách trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã tới hành hương, thăm quan, vãn cảnh tại khu di tích đặc biệt danh thắng Tây Thiên. Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, hằng ngày Ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo đều bố trí nhiều cán bộ ghi sổ sách tiền công đức của du khách, việc mở, kiểm đếm các hòm công đức hằng tuần, hằng tháng cũng được thực hiện công khai, dân chủ trước sự giám sát chặt chẽ, thành phần gồm các ban, ngành, đoàn thể, Công an của Huyện Tam Đảo.

Theo Thông tư 04/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội do Bộ Tài chính ban hành, với các lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức thì đơn vị thực hiện phải có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử. Đối với các trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, các đơn vị phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.

Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 19/3/2023.

Có thể thấy việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023 sẽ góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ của các cá nhân, tổ chức cho các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo, tạo niềm tin cho người dân khi ra tâm công đức./.

Nguyễn Toàn