Cập nhật: 04/03/2023 08:00:00
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây tại các bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trẻ bị thủy đậu. Đây là bệnh do nhiễm virus Varicella – Zoster gây ra.

Bệnh có thể lây truyền từ người sang người chủ yếu qua dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh nói, hắt hơi hoặc ho… thì các virus theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài hoặc dịch các nốt phỏng nước trên da vỡ ra. Bệnh có thể gây thành dịch, thường xảy ra vào mùa đông xuân và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, ở những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường học….

Tại Khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), bé M.A., 4 tuổi xuất hiện chi chít các nốt phỏng nước ở mặt, thân mình và tay chân. Khoảng 4 ngày trước trẻ sốt cao trên 38 độ C và nổi nhiều vết phỏng nước ở mặt và nhanh chóng lan ra toàn thân. Mẹ bệnh nhi cho biết con mình bị lây nhiễm sau khi lớp học mầm non có nhiều trường hợp đã mắc thủy đậu. “Từ tết đến giờ lớp của con rải rác các ca mắc thủy đậu. Cả lớp có hơn 40 trẻ thì tới nay cũng đã có khoảng 50% mắc bệnh”, mẹ bệnh nhi cho biết.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới gần đây ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có tình trạng gia tăng bệnh nhân thủy đậu. “Trước đây 1 tháng, thậm chí một vài tháng mới có bệnh nhân thủy đậu thì từ tết Nguyên đán tới nay, con số này tăng lên. Riêng 1 tuần nay, khoa đã tiếp nhận 10 trường hợp phải điều trị nội trú. Trong số này, dù có cả các ca bệnh người lớn. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là trẻ em”, bác sĩ Kim Anh nói.

Tại Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), TS. Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng cho hay, gần đây tiếp nhận nhiều ca bệnh với chẩn đoán thủy đậu nhập viện với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12-24 giờ.

Trong bối cảnh bệnh dịch dễ lây lan và bùng phát trong mùa đông xuân, các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất đó là chủng ngừa thủy đậu bằng vắc xin. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.

“Do vừa trải qua thời gian dịch COVID-19, lịch tiêm chủng của nhiều trẻ đã bị trì hoãn. Trải qua thời gian này, thói quen tiêm chủng của nhiều gia đình cũng bị ảnh hưởng dẫn tới việc trẻ không tiêm phòng đầy đủ”, bác sĩ Kim Anh nói đồng thời khuyên phụ huynh cần khẩn trương cho con đi tiêm phòng và tiêm phòng đầy đủ để tránh lây nhiễm cũng như tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng phát.

Về một số trường hợp đã tiêm vắc xin xong vẫn mắc bệnh, các chuyên gia lí giải, thủy đậu là căn bệnh có miễn dịch bền vững nên theo lí thuyết, sau khi tiêm phòng sẽ không mắc phải. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do cơ địa người được tiêm phòng không đáp ứng được các điều kiện của vắc xin nên không được miễn nhiễm hoàn toàn. Ngoài ra, còn một số yếu tố như điều kiện bảo quản vắc xin không đạt làm giảm chất lượng; tiêm ngừa không đúng kĩ thuật làm giảm hiệu quả của vắc xin; sử dụng vắc xin quá hạn nên không có tác dụng… Một số trường hợp đưa con đi tiêm vắc xin khi đã ủ bệnh hoặc đã tiếp xúc với bệnh, do đó tiêm ngừa không có tác dụng như mong muốn.

Hiện tại bệnh thủy đậu không có biện pháp điều trị đặc hiệu mà thường tập trung làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. “Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh thủy đậu rất quan trọng, cần ăn uống đầy đủ, ăn thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo”, bác sĩ Mạnh nói.

Biến chứng của bệnh thủy đậu

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó trị.

Viêm não do thủy đậu cũng xảy ra, không hiếm: sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, chậm phát triển, động kinh v.v…

Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Chăm sóc người bệnh bị thủy đậu

Vì là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách li trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn.

Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ.

Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng.

Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch.

Theo Hà Minh /tienphong.vn

https://tienphong.vn/can-trong-voi-can-benh-truyen-nhiem-dang-khien-nhieu-tre-nhap-vien-post1514712.tpo