Cập nhật: 06/03/2023 09:14:00
Xem cỡ chữ

“Khát vốn” để mở rộng sản xuất kinh doanh là thực trạng nhiều doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dù thời gian gần đây, chính sách vay vốn đã cởi mở hơn, các ngân hàng cũng hỗ trợ tích cực, song nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đã được các doanh nghiệp chỉ ra tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tổ chức mới đây. Trong đó tập trung vào các nội dung về: Hạn mức tín dụng, lãi suất cho vay, các thủ tục liên quan đến hồ sơ vay vốn và thời gian giải ngân...Doanh nghiệp kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ có sự điều chỉnh để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, đến hết năm 2022, ngành Ngân hàng đã cho vay đối với 3.300 doanh nghiệp, với dư nợ đạt 49.000 tỷ đồng, chiếm gần 49% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Với mục tiêu giữ vững vai trò huyết mạch của nền kinh tế, trước những khó khăn mà các doanh nghiệp đã phản ánh, ngành Ngân hàng đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp ổn định lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, ngành Ngân hàng cũng cho rằng doanh nghiệp muốn dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay cũng cần phải cơ cấu lại hoạt động, nghiên cứu kỹ thị trường để xây dựng phương án kinh doanh phù hợp; nâng cao khả năng tài chính, kế toán, rõ ràng, minh bạch bởi nếu doanh nghiệp không đảm bảo các yếu tố trên mà phía ngân hàng vẫn cho vay thì sẽ rủi ro an toàn tín dụng./.

Phương Liên