Đến với An Giang, du khách được trải nghiệm, tham quan các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, cơ sở sản xuất hàng đặc sản để tìm hiểu các giá trị văn hóa và mua sắm các sản phẩm.
Sản phẩm Làng dệt thổ cẩm Châu Giang của người Chăm ở xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) thu hút du khách
Trong hành trình du lịch khám phá các làng nghề truyền thống An Giang điểm dừng chân đầu tiên đối với du khách là xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, đây là một trong những ngôi làng của người Chăm có truyền thống dệt thổ cẩm nổi tiếng. Nghề truyền thống không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bà con, mà còn khiến ngôi làng trở thành điểm đến thu hút khách du lịch với chương trình “Trở thành một người Chăm”. Sản phẩm thổ cẩm ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, giữ được nét đặc trưng truyền thống như Sà rông, khăn choàng, nón, áo khoác, túi luôn là những mặt hàng được khách hàng, nhất là du khách nước ngoài lựa chọn.
Ngoài làng nghề dệt thổ cẩm Chăm, làng nghề dệt thổ cẩm Khmer ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên cũng là một điểm nhấn rất thu hút du khách trong và ngoài nước trong những năm gần đây. Thổ cẩm Văn Giáo từ khâu nhuộm tới khâu dệt đều bằng thủ công, màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo. Điều khiến các du khách rất ưa chuộng sản phẩm của thổ cẩm Khmer Văn Giáo chính là ở nét độc đáo về kỹ thuật nhuộm với các loại thuốc nhuộm theo phương pháp cổ truyền có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp cho sản phẩm óng ả, mượt mà trang nhã bền màu. Hiện nay ngoài tiêu thụ trong nước, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách, thổ cẩm Văn Giáo, với thương hiệu Silk Khmer còn được xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Pháp, Australia, Thái Lan, Campuchia…
Du khách đặt chân đến với thành phố Châu Đốc thơ mộng bên bờ sông Hậu, dường như ai cũng háo hức chờ đợi khoảnh khắc được đến khám phá “Vương quốc mắm” được hình thành từ 100 năm, để thỏa thích ngắm, tận mắt thấy những cơ sở làm mắm cá nước ngọt lớn nhất vùng miền Tây Nam bộ, với hàng trăm chủng loại, cho ra những sản phẩm mắm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Chính sự đầu tư hiện đại hóa công nghệ đã góp phần làm cho làng nghề mắm Châu Đốc ngày càng phát triển và thương hiệu ngày càng thêm nổi tiếng, càng thu hút, hấp dẫn du khách.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VHTTDL An Giang cho biết, thời gian qua, trong quá trình gắn kết du lịch với phát triển làng nghề nông thôn, An Giang đã hình thành nhiều điểm “gắn kết” như tuyến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng với làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh, làng nhang Bình Đức (TP Long Xuyên); làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang gắn với Trung tâm du lịch cộng đồng Châu Phong (thị xã Tân Châu); làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo, làng nghề sản xuất đường thốt nốt An Phú (huyện Tịnh Biên) gắn với mô hình du lịch nông nghiệp; làng nghề mộc chợ Thủ gắn với mô hình du lịch sinh thái cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), làng nghề dệt lụa Mỹ A (thị xã Tân Châu).
“Cùng với sự phát triển của xã hội, làng nghề ngày nay không chỉ mang đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, mà còn thu hút khách du lịch. Khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống theo hướng du lịch mang đến hiệu quả kép vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế xã hội’, ông Hiệp nói.
Theo PHƯƠNG MINH/baovanhoa.vn
http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/62109/lang-nghe-hut-khach-du-lich