Thực hiện hướng dẫn số 318/HD-TƯHCTĐ ngày 30/12/2022 của BCH Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về Hướng dẫn triển khai Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", giai đoạn 2022- 2027, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Kế hoạch triển khai Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" (sau đây gọi là Phong trào) giai đoạn 2022- 2027 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Lan tỏa lòng nhân ái, cổ vũ hành động tử tế góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, đề cao giá trị nhân đạo trong cộng đồng, không ngừng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hình thành lối ứng xử nhân văn, nhân ái trong xã hội.
- Thu hút sự hưởng ứng, tham gia của các tập thể, cá nhân tạo phong trào thi đua làm việc thiện, thúc đẩy cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Yêu cầu
Quán triệt cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ, các cơ quan chuyên trách Hội các cấp làm nhân tố đi đầu, hướng dẫn, triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”.
- Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo Phong trào; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể liên quan, trong đó ưu tiên tăng cường phối hợp trước hết với ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong triển khai Phong trào; phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp Hội là đại diện lãnh đạo từ các ngành, cơ quan, tổ chức trong phối hợp triển khai Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”.
- Chú trọng phát hiện điển hình, biểu dương, tôn vinh điển hình ở các cấp Hội, giới thiệu điển hình cho các phong trào thi đua của tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội, chính quyền các cấp…
II. ĐỐI TƯỢNG, CHỈ TIÊU
1. Đối tượng: Đối tượng tham gia phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" là các cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ; các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; các trường học, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa bàn dân cư trên địa bàn tỉnh.
2. Chỉ tiêu
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động, triển khai kế hoạch thực hiện phong trào, vận động được ít nhất 05 cơ quan/tổ chức, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, địa bàn dân cư tổ chức thí điểm phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái’’ trong năm 2023.
- 100% các huyện, thành Hội phát động, triển khai kế hoạch thực hiện Phong trào: “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái’’ và vận động được ít nhất 01 cơ quan hoặc trung tâm y tế, trường học, doanh nghiệp, đơn vị dân cư để tổ chức thí điểm phong trào trong năm 2023.
- 100% tổ chức Hội Chữ thập đỏ trong trường học tham gia hưởng ứng phong trào và đăng ký vận động trợ giúp được ít nhất 01 “địa chỉ nhân đạo”/1 năm; các Câu lạc bộ/đội/nhóm tình nguyện viên Chữ thập đỏ tham gia đăng ký trợ giúp được ít nhất 02 địa chỉ nhân đạo/01 năm.
- Toàn Hội Chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn tỉnh vận động được ít nhất 250 cá nhân và 100 tập thể là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hưởng ứng phong trào trong giai đoạn 2022-2027. Trong đó, cấp tỉnh: 5 cá nhân/01 năm, 02 tập thể/01 năm; cấp huyện: 5 cá nhân/01 năm, 02 tập thể/01 năm (cá nhân tham gia: “Người tốt, việc thiện”, tập thể tham gia: “Cộng đồng nhân ái”).
- 100% các huyện, thành Hội có chuyên mục “Người tốt, việc thiện” trên trang facebook, zalo của huyện, thành Hội; đối với Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng được chuyên mục "Người tốt, việc thiện" trên trang tin điện tử của Hội.
- Xây dựng được ít nhất 01 chuyên mục “Người tốt, việc thiện” tuyên truyền trên Báo Vĩnh Phúc hoặc trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh.
- Danh hiệu “Người tốt, việc thiện” tiêu biểu cấp tỉnh 2 lần/5 năm, Trung ương 1 lần/5 năm được bình chọn, tôn vinh bằng các hình thức phù hợp.
III. KHÁI NIỆM, TIÊU CHÍ
1. Khái niệm
- “Người tốt, việc thiện” trong Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” là những hành động, việc làm, ý tưởng, sáng kiến được thực hiện và mang lại cho người/ nhóm/ cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, bị tổn thương có cuộc sống tốt hơn về vật chất và tinh thần; Có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, góp phần thúc đẩy hình thành lối sống có trách nhiệm, giàu lòng nhân ái trong trường học, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; Là tấm gương để cá nhân, tổ chức khác học tập và làm theo .
- “Cộng đồng nhân ái” là nhóm người chung sống, gắn bó với nhau trên địa bàn dân cư, đơn vị, lĩnh vực công tác, mà ở đó mọi thành viên có tình yêu thương, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau tự nguyện, không vụ lợi, hướng về những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, người yếu thế, giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng (là cộng đồng của những “người tốt” làm “việc thiện”).
2. Tiêu chí xét tặng Danh hiệu “Người tốt việc thiện”
a) Tiêu chí “Người tốt, việc thiện”:
- Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước;
- Vận động và tham gia hiệu quả “Cuộc vận động mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, có các hành động, việc làm, ý tưởng, sáng kiến trong các hoạt động nhân đạo, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại cơ quan, đơn vị, cộng đồng.
- Là tấm gương để người khác học tập và làm theo.
b) Tiêu chí “Cộng đồng nhân ái”:
- Tích cực hưởng ứng và thực hiện có kết quả Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” và Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.
- 100% số người có hoàn cảnh khó khăn, bị tổn thương tại cộng đồng được giúp đỡ.
- Lan tỏa các hoạt động nhân đạo của cộng đồng đến các nhóm dân cư, các địa bàn khác.
IV. NỘI DUNG PHONG TRÀO
1. Xây dựng/phát hiện gương “Người tốt, việc thiện” trong cuộc sống, công việc hằng ngày trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học.
2. Vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ, cán bộ, đảng viên, thành viên các tổ chức, các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng Phong trào; Tham mưu, vận động để xác định việc tham gia Phong trào và đăng ký trợ giúp “địa chỉ nhân đạo” là tiêu chí thi đua của cán bộ, đảng viên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn, trong đơn vị, tổ chức bằng các hình thức phù hợp.
3. Giới thiệu tuyên truyền về những tấm gương “Người tốt, việc thiện” ở mỗi cơ quan, tổ chức, trường học, doanh nghiệp, địa bàn dân cư, trên các chuyên trang, chuyên mục, hệ thống truyền thanh...
4. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần, công sức giúp cho người khó khăn, hoạn nạn, người yếu thế với tinh thần “không bỏ ai ở lại phía sau”.
5. Tổ chức các hoạt động biểu dương, khuyến khích các tấm gương trong Phong trào.
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường công tác tuyên truyền
- Xây dựng các văn bản, tài liệu, phương tiện truyền thông “Người tốt, việc thiện” và ban hành ở trong và ngoài hệ thống Hội.
- Xây dựng chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền, giới thiệu về tấm gương “Người tốt, việc thiện” ở các kênh truyền thông của mỗi cấp Hội, chú trọng truyền thông trên mạng xã hội như zalo, facebook, Fanpage...
- Tăng cường đăng tải các tin, bài, hình ảnh, gương “Người tốt, việc thiện” lên Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc và Website của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Bản tin Nhân đạo Vĩnh Phúc.
- Phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa, các cơ quan liên quan để truyền thông, cổ vũ, tôn vinh các tấm gương “Người tốt, việc thiện”.
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội
- Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Phong trào ở các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư (Theo Kết luận số 44-KL/TW ngày 14/11/2022 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới).
- Xây dựng chương trình phối hợp liên ngành để hướng dẫn và thực hiện Phong trào theo từng lĩnh vực tại địa phương.
3. Tiến hành chỉ đạo điểm, sơ kết, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình
- Xác định đối tượng, địa bàn ưu tiên; phối hợp chỉ đạo điểm Phong trào ở đối tượng, địa bàn ưu tiên đã lựa chọn; hướng dẫn các cấp Hội thí điểm tổ chức Phong trào tại một cơ quan, tổ chức, trường học, doanh nghiệp, đơn vị dân cư, rút kinh nghiệm để hướng dẫn triển khai Phong trào trên diện rộng.
* Lưu ý: Khi lựa chọn cơ quan, tổ chức, trường học, doanh nghiệp, đơn vị dân cư để chỉ đạo điểm, các cấp Hội cần lưu ý lựa chọn đơn vị:
i) Là đơn vị có truyền thống đoàn kết, vững mạnh, các tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động nề nếp;
ii) Lãnh đạo chuyên môn luôn quan tâm đến các phong trào thi đua tại đơn vị;
iii) Đơn vị luôn ủng hộ và tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức; có những tấm gương, việc làm tốt trong các hoạt động này.
- Tổ chức sơ kết hàng năm gắn với tổng kết của cơ quan, đơn vị, trường học, địa bàn dân cư để kịp thời tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân “người tốt, việc thiện” nhằm khuyến khích phát triển Phong trào.
4. Lồng ghép với các phong trào, cuộc vận động của Hội và các phong trào lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc phát động
Việc triển khai Phong trào cần gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các phong trào, hoạt động nhân đạo khác của Hội.
5. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Phong trào, biểu dương, khen thưởng kịp thời để thúc đẩy Phong trào
- Căn cứ các chỉ tiêu và kết quả của Phong trào, Tỉnh Hội chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Phong trào hằng năm.
- Tổ chức gặp mặt những tấm gương “Người tốt, vệc thiện” tiêu biểu ở các cấp Hội tại cấp tỉnh 5 năm/2 lần.
VI. TIẾN ĐỘ VÀ CHỈ TIÊU THỰC HIỆN
1. Năm 2023: Ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào; Quán triệt và phát động Phong trào trên phạm vi toàn tỉnh trong “Tháng Nhân đạo” 2023; triển khai Phong trào tại các cấp Hội; Mỗi huyện, thành Hội chọn 01 đơn vị trường học hoặc trung tâm y tế, cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn dân cư để chỉ đạo điểm.
2. Giai đoạn 2024-2027: Triển khai Phong trào trên diện rộng ở tất cả các cấp, các ngành, trong các trường học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tổ chức sơ kết hằng năm đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho các năm tiếp theo (vào tháng 5 hàng năm).
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hội Chữ thập đỏ tỉnh
- Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái"; Tham mưu xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hưởng ứng phong trào.
- Phát động và triển khai kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện phong trào trong toàn tỉnh; lựa chọn 05 cơ quan/tổ chức, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, địa bàn dân cư tổ chức thí điểm phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái’’ trong năm 2023.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông như Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự tuyên truyền về phong trào; Xây dựng chuyên mục “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái’’ trên trang Website của Hội Chữ thập đỏ tỉnh; tích cực đăng tải các tin, bài, hình ảnh về "người tốt, việc thiện" tuyên truyền trên Bản tin Nhân đạo Vĩnh Phúc, Facebook, zalo của Hội.
- Tổ chức gặp mặt, tôn vinh, khen thưởng những tấm gương “Người tốt, việc thiện”, "cộng đồng nhân ái" vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội.
- Cụ thể hóa nhiệm vụ của Phong trào trong chương trình công tác hằng năm của cấp Hội; tiến hành kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện Phong trào về Trung ương Hội.
2. Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố
- Tham mưu huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" tại địa phương; Tham mưu xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tham gia hưởng ứng phong trào.
- Xây dựng Văn bản triển khai phong trào cụ thể và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; Lựa chọn cơ quan, tổ chức, trường học, doanh nghiệp, đơn vị dân cư để tổ chức chỉ đạo điểm.
- Vận động 100% các tổ chức Hội Chữ thập đỏ trong trường học; các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện viên Chữ thập đỏ trên địa bàn huyện, thành phố tham gia hưởng ứng phong trào và đăng ký trợ giúp các “địa chỉ nhân đạo" hoàn thành chỉ tiêu được giao.
- Phấn đấu mỗi năm vận động được ít nhất 05 cá nhân và 02 tập thể/huyện, thành phố tham gia hưởng ứng phong trào đạt (cá nhân tham gia: “Người tốt, việc thiện”, tập thể tham gia: “Cộng đồng nhân ái”).
- Xây dựng được chuyên mục “Người tốt, việc thiện” trên trang facebook, zalo của huyện, thành Hội; tích cực đăng tải các tin, bài, hình ảnh về tấm gương “Người tốt, việc thiện" trên Website, Fancebook, zalo và Bản tin Nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
- Tổ chức gặp mặt, tôn vinh, khen thưởng những tấm gương “Người tốt, việc thiện”, "cộng đồng nhân ái" vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội.
- Cụ thể hóa nhiệm vụ của Phong trào trong chương trình công tác hằng năm của cấp Hội; tiến hành kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện Phong trào về Hội Chữ thập đỏ tỉnh (trước ngày 30/11 hằng năm)./.