Gan nhiễm mỡ là bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất béo trong tế bào gan. Gan nhiễm mỡ không được chữa trị sẽ gây nên viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Tình trạng đọng mỡ trong gan thường xảy ra chậm, mỗi ngày tích lũy tăng dần từng chút, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ thường là không có triệu chứng cụ thể. Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào bệnh chính gây ra và việc tuân thủ chế độ điều trị bệnh.
Gan nhiễm mỡ là bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất béo trong tế bào gan.
Dấu hiện nhận biết gan nhiễm mỡ
Nếu thấy có một trong các dấu hiệu sau kéo dài, có thể đó là dấu hiệu cảnh báo của bệnh gan nhiễm mỡ
-
Mệt mỏi, cảm thấy ăn không ngon, thiếu năng lượng và kiệt sức.
-
Rối loạn nội tiết.
-
Buồn nôn, đầy bụng. Nếu đầy bụng khó tiêu mà kèm theo với các triệu chứng khác như là: nước tiểu sậm màu, phân xám, vàng hoặc bạc màu, bị giãn tĩnh mạch, nôn ói, ói mửa, chán ăn, mệt mỏi, trì trệ và suy nhược. Đây có thể là triệu chứng bệnh lý của gan.
-
Vàng da kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu, chán ăn. Số ít người gan nhiễm mỡ sẽ vàng da thể nhẹ, sau khi chất béo trong gan được loại bỏ, bệnh vàng da sẽ lập tức biến mất.
-
Thiếu hụt vitamin. Biểu hiện lâm sàng có thể thấy là viêm dây thần kinh ngoại vi, viêm lưỡi, viêm miệng, bầm da, tăng sừng…Một số ít người cũng có triệu chứng tiêu hóa ra máu, chảy máu nướu, chảy máu cam…
Gan nhiễm mỡ nên chữa trị sớm. Tình trạng gan nhiễm mỡ ở thời kỳ đầu có thể được điều chỉnh thông qua thay đổi phương thức sinh hoạt, điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập sức khỏe hợp lý sẽ khôi phục lại bình thường.
Các bệnh thường gặp khi gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh mà chỉ là biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó muốn điều trị gan nhiễm mỡ thì phải điều trị bệnh chính gây ra gan nhiễm mỡ.
Béo phì: Gan nhiễm mỡ thường gặp ở bệnh nhân béo phì và mức độ nhiễm mỡ cũng liên quan đến mức độ béo phì, đặc biệt là béo bụng. Có 80% đến 90% bệnh nhân béo phì bị gan nhiễm mỡ. Nếu béo phì nặng thì mức độ gan nhiễm mỡ cũng nặng hơn và lâu ngày sẽ có khả năng đưa đến viêm gan thoái hóa mỡ và cuối cùng có thể tiến triển thành xơ gan.
Đái tháo đường: Gan nhiễm mỡ ít phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường type I, nhưng rất dễ gặp ở bệnh nhân tiểu đường type II do có sự rối loạn về chuyển hóa chất béo. Ước tính 50% bệnh nhân tiểu đường type II bị gan nhiễm mỡ.
Tăng mỡ máu: Tăng mỡ máu hay tăng lipid máu (bao gồm tăng triglyceride máu, tăng cholesterol máu hoặc cả hai) cũng thường kèm theo gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tương đối cao. Khi xét nghiệm máu có các chỉ số mỡ máu như cholesterol, triglyceride cao hơn bình thường, khi đó bạn sẽ có nguy cơ gan nhiễm mỡ cao hơn so với người có chỉ số bình thường.
Nghiện rượu: Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người nghiện rượu. Việc tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo trong gan là kết quả của nghiện rượu mạn tính làm mỡ bị ứ lại trong gan. Gan nhiễm mỡ ở người nghiện rượu thường có thể phục hồi nhưng nếu tiếp tục uống rượu sẽ dẫn tới viêm gan do rượu và xơ gan.
Gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh mà chỉ là biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau.
Lời khuyên của thầy thuốc
Người bị gan nhiễm mỡ cần:
-
Có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc.
-
Tránh sử dụng những thực phẩm ảnh hưởng đến gan như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, ngũ cốc tinh chế...
-
Ăn nhiều rau tươi có màu xanh đậm như rau bina, bắp cải xanh, rau ngót.
-
Uống đủ nước 2 lít/ngày.
-
Thực hiện chế độ giảm cân nếu béo phì kèm tiểu đường.
-
Kiểm soát rối loạn lipid máu: Các statin không chuyển hóa kéo dài qua gan có thể kiểm soát rối loạn lipid máu, giảm gan nhiễm mỡ.
-
Khám sức khỏe định kỳ.
-
Theo Bs. Hà Hùng – BV ĐHYHN/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/gan-nhiem-mo-gay-nen-cac-benh-gi-169230320114812257.htm