Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu là nội dung quan trọng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Khi Làng văn hóa kiểu mẫu được hoàn thành và đi vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, qua đó, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương.
Đời sống hiện đại đã và đang làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy cũng như làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng quê gắn với lối sống hiện đại ngày càng trở nên cấp thiết. Vì lẽ đó, cần phải hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất lành mạnh, phong phú; cải thiện môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, đưa các giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, khơi dậy và phát huy tính tích cực, tự quản và sáng tạo của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.
Với ý nghĩa đó, tỉnh Vĩnh Phúc tiên phong đi đầu cả nước, xây dựng Đề án mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu bắt đầu từ năm 2023. Theo đề án, toàn tỉnh sẽ triển khai thí điểm tại 28 thôn, tổ dân phố. Mỗi huyện, thành phố triển khai thí điểm 3 mô hình, riêng huyện Vĩnh Tường 4 mô hình. Ưu tiên những thôn có lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, du lịch, làng nghề để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. dịch vụ, thương mại đặc trưng để nâng cao thu nhập cho Nhân dân.
Để thực hiện điều đó, một trong các nội dung cần triển khai là nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Nhiệm vụ này thực hiện được thì MTTQ các cấp đóng một vai trò quan trọng.
Ngay sau khi đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu được triển khai, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể, giao nhiệm vụ và hướng dẫn các đơn vị cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nhất là những địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình. Tập trung huy động các tổ chức đoàn thể, hội viên, đoàn viên đồng lòng tham gia; công khai quy hoạch mô hình thí điểm theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng; Gắn việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, đặc biệt gắn với di tích văn hóa lịch sử tại các địa phương; huy động sức mạnh toàn Đảng, toàn dân tham gia thực hiện, xây dựng cơ sở hạ tầng các làng văn hóa kiểu mẫu.
Có mặt tại tổ dân phố Trong Ngoài của thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, chúng tôi nhận thấy người dân ở đây rất phấn khởi khi tổ dân phố được chọn làm điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh. Làng văn hóa kiểu mẫu tổ dân phố Trong Ngoài có diện tích 20.000m2, bao gồm các hạng mục công trình như: nhà văn hóa, sân, bãi đỗ xe; khu thể dục - thể thao, bể bơi, vườn hoa, cây xanh… điều này đã đáp ứng nhu cầu mong mỏi bấy lâu của Nhân dân. Trước đây, nhà văn hóa của tổ dân phố khá chật hẹp, người dân không có chỗ để tổ chức những lễ hội lớn. Vì thế việc tổ chức các hoạt động văn hóa để người dân trong tổ dân phố giao lưu rất hạn chế.
Hưởng ứng và đón nhận chủ trương lớn, có ý nghĩa của tỉnh, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thị trấn Hương Canh đã cùng dự họp chi bộ, lãnh đạo tổ dân phố và toàn thể Nhân dân để bàn, thống nhất triển khai các nội dung trọng tâm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã cùng ban công tác Mặt trận Tổ dân phố thực hiện ngay các bước, đặc biệt chú trọng tuyên truyền tới người dân các nội dung của đề án, lợi ích cũng như ý nghĩa của việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu để người dân nắm được và đồng lòng ủng hộ.
Tính đến nay, phần lớn các hạng mục về xây dựng Làng văn hóa Kiểu mẫu của tổ dân phố Trong Ngoài của thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên đã cơ bản được hoàn thành khá khang trang, rộng rãi, đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Có được kết quả này, Đảng ủy, chính quyền đã đánh giá cao vai trò của MTTQ thị trấn, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công và kinh phí để xây dựng các công trình và tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp và hướng dẫn các Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc triển khai các hạng mục.
Người dân thôn Lục Liễu xã Đạo Trù huyện Tam Đảo rất vui mừng phấn khởi khi thôn mình được chọn để xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh. Với họ đây là niềm vinh dự lớn nên mọi người dân đều sẵn sàng chung tay, góp sức cùng chính quyền địa phương thực hiện thành công các nội dung, kế hoạch được đề ra. Xác định xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, để tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của nhân dân, trong quá trình triển khai thì công tác tuyên truyền luôn được Đảng ủy, UBND xã Đạo Trù đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm, kiên quyết. Bởi vậy nhiều ngày nay, lãnh đạo xã đã trực tiếp xuống tận thôn để nắm bắt tình hình và thông tin đến chi bộ, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, nhân dân về chủ trương lớn của tỉnh, đồng thời đánh giá tình hình triển khai các nội dung cụ thể trong đề án .
Ban công tác Mặt trận thôn Lục Liễu xã Đạo Trù huyện Tam Đảo cùng với tổ chức hội trong thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Đến thời điểm hiện tại 100% hộ dân đều đồng tình hưởng ứng, sẵn sàng đóng góp ngày công, kinh phí, xây dựng các hạng mục. Việc đầu tiên, người dân đã tiến hành trồng hoa, cây xanh tại các tuyến đường và khu trung tâm văn hóa của thôn. Thường xuyên tiến hành vệ sinh khu dân cư. Chỉ sau một thời gian ngắn phong trào chung sức xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Lục liễu đã tạo được hiệu ứng, chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân.
Khu Trung tâm Văn hóa thôn Lục Liễu sẽ được xây dựng mới khang trang hơn, rộng hơn để đáp ứng tốt nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao của người dân trong thôn. Khu nhà văn hóa của thôn được quy hoạch xây dựng với diện tích 20.000m2 bao gồm: nhà văn hóa, khu thể thao và khu sân bãi phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của Nhân dân và khu trưng bày các sản phẩm văn hóa dân tộc Sán Dìu. Với hơn nửa số dân sinh sống ở trong thôn là dân tộc Sán Dìu, họ có nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như: Tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, làn điệu dân ca Soọng Cô… thì việc xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở thôn Lục Liễu sẽ giúp người dân ở đây phát huy được tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế , đồng thời, góp phần quảng bá những giá giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu đến đông đảo du khách.
Mặc dù mới khởi động thực hiện nhưng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu nhận được sự đồng thuận cao của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương thí điểm xây dựng mô hình. Hy vọng với những kết quả đạt được từ đề án sẽ góp phần tạo nên nhiều miền quê đáng sống cả về vật chất lẫn tinh thần và đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho mỗi người dân. Để đạt được điều này thì Mặt trận tổ quốc các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò, sức mạnh của mình trong việc đoàn kết, tập hợp Nhân dân chung sức xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Mai Hương