Đang làm thịt gà, người đàn ông bị chó cắn vào vùng mông. 4 năm sau, nạn nhân tử vong vì phát bệnh dại trong sự bất lực, đau xót của các bác sĩ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhân bị chó cắn, nhưng đều tử vong vì đã phát bệnh dại. Đây là con số đáng lo ngại, khi cả năm 2022, bệnh viện ghi nhận tổng cộng 15 trường hợp mắc bệnh dại tử vong.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Gần nhất là trường hợp của người đàn ông tên N. (47 tuổi, quê Gò Dầu, Tây Ninh), được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh đến vào ngày 19/3.
Theo bệnh sử, trước đó khoảng một tháng, ông N. đi câu cá thì thấy một con chó hoang rớt xuống mương nước. Vì thấy tội nghiệp, ông lao xuống tìm cách cứu chú chó thì bị con vật đang trong cơn hoảng loạn cắn vào người. Tại bệnh viện, dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức, ông N. vẫn không qua khỏi vì đã phát bệnh dại.
Đau lòng không kém là sự việc của một người đàn ông quê Bến Tre, hơn 50 tuổi, làm nghề thợ mộc. Khai với bác sĩ, bệnh nhân cho biết 4 năm trước, ông qua nhà mẹ chơi. Khi đang ngồi làm gà, ông bị con chó nuôi thả rông trong nhà bất ngờ chạy từ phía sau cắn vào vùng mông. Vì chủ quan, nạn nhân không đi tiêm ngừa, và cũng không kiểm tra xem con chó cắn mình có bệnh gì không.
Cho đến gần đây, bệnh nhân mới bắt đầu bộc phát các triệu chứng hoảng hốt, sợ nước, sợ gió... Tại bệnh viện ở TPHCM, bệnh nhân được làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dại, ít ngày sau thì tử vong.
Người dân đi điều trị, tiêm ngừa tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Bác sĩ Thọ cho biết, mỗi lần tiếp nhận các trường hợp bệnh dại lại là một nỗi xót xa của các nhân viên y tế. Bệnh nhân đa số ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn và không có kiến thức nhiều, bị chó cắn không biết cách xử trí, ngại đi chích ngừa.
Trong khi đó, chó ở vùng quê thường được thả rông và không chích ngừa. Y văn đã ghi nhận những trường hợp ủ bệnh dại đến 19 năm, sau đó mới phát bệnh và gây tử vong.
"Người mắc bệnh dại từ khi vào viện đến khi mất tri giác vẫn còn tỉnh táo và hợp tác tương đối tốt, nhưng sau cơn hoảng loạn tăng kích thích cực độ, bệnh nhân tiến triển nhanh chóng đến ngưng tim, ngưng thở đột ngột.
Với một bệnh nhân vẫn đang tỉnh táo, mình biết trước họ sẽ tử vong sau đó nhưng không làm gì được, cảm giác rất bất lực, đau xót" - bác sĩ Thọ nói.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó mèo cắn, cào, liếm vào vết thương cần đi kiểm tra và chích ngừa ngay (Ảnh: Hoàng Lê).
Bác sĩ khuyến cáo, chó mèo không chỉ cắn mới gây bệnh dại mà việc liếm vào vết thương, cào cấu cũng là ngõ vào của virus dại. Do đó, người dân phải chú ý chích ngừa cho chó. Khi bị cắn, cào, liếm vào vết thương, nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục phải đi kiểm tra và chích ngừa ngay.
Trước đó trong dịp Tết Nguyên đán 2023, có hàng trăm trường hợp phải tiêm vaccine phòng bệnh dại vì bị động vật tấn công. Cụ thể, có 55 người bị mèo cào, 496 người bị chó cắn và đả thương, 29 người bị động vật có vú khác cắn phải vào bệnh viện tiêm ngừa.
Cách xử trí khi bị chó, mèo cắn
- Rửa ngay vết thường với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt (nếu có).
- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
- Không nên đi lấy nọc, đắp thuốc nam, hoặc đắp lá cây, bã cà phê, ớt bột, nước ép, nhựa cây... lên vết thương.
- Không rạch hoặc làm dập nát thêm vết thương. Không nên khâu kín vết thương.
Theo Hoàng Lê/dantri.com.vn - 6/4/2023
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-dan-ong-tu-vong-sau-4-nam-bi-cho-can-vao-mong-20230406151258826.htm