Hệ thống giám sát vệ tinh môi trường sinh thái cung cấp một cơ sở dữ liệu vũ trụ đa dạng, như phân loại sinh thái, bảo tồn nguồn nước, giám sát khí quyển nhằm đáp ứng nhu cầu về dữ liệu viễn thám.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Tân hoa xã)
Học viện Công nghệ vũ trụ Trung Quốc (CAST) cho biết nước này đã khởi động hệ thống giám sát vệ tinh môi trường sinh thái.
Đây là một chòm vệ tinh, nằm trong hệ thống đánh giá sinh thái GEP - hệ thống tính tổng giá trị mà hệ sinh thái đem lại cho sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Hệ thống giám sát vệ tinh môi trường sinh thái cung cấp một cơ sở dữ liệu vũ trụ đa dạng, như phân loại sinh thái, bảo tồn nguồn nước, giám sát khí quyển và giám sát bể chứa CO2, nhằm đáp ứng nhu cầu về dữ liệu viễn thám.
CAST thuộc Tập đoàn Khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC).
Học viện này đã từng bước lập ra một cơ sở dữ liệu sinh thái kết hợp giữa bầu trời, không khí và mặt đất, xây dựng một trung tâm máy tính trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên dữ liệu này, và xây dựng một hệ thống giám sát, phân tích, đánh giá sinh thái toàn khu vực trong thời gian thực, đồng thời trao đổi các dữ liệu này.
CASC đã phát triển một loạt vệ tinh giám sát sinh thái và tài nguyên để phục vụ việc xây dựng sinh thái của Trung Quốc.
Năm 2019, Trung Quốc đã phóng 1 vệ tinh tài theo dõi tài nguyên và 2 vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo.
Các vệ tinh được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 4B từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc.
Vệ tinh tài nguyên ZY-1 02D, được phát triển bởi CAST và là một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng vũ trụ Trung Quốc.
Vệ tinh này sẽ cung cấp dữ liệu quan sát cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát sinh thái, kiểm soát và phòng ngừa thảm họa, bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị, quản lý giao thông và tình huống bất ngờ.
Với tuổi thọ dự kiến 5 năm, vệ tinh ZY-1 02D tạo một mạng lưới với nhiều vệ tinh khác.
Người quản lý dự án này, ông Li Yifan cho biết vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời ở độ cao 778km so với mặt đất.
Vệ tinh có gắn camera cận hồng ngoại với độ bao phủ rộng 115km, giúp quan sát các thành phố lớn và trung bình nên có thể sử dụng để quy hoạch đô thị.
Vệ tinh cũng có một camera siêu phổ 166 dải sóng có thể tạo ra 166 bức ảnh với dải màu khác nhau cùng một lúc.
Camera này có thể bắt được thông tin ánh sáng bẻ cong của các khoáng chất khác nhau và có thể được sử dụng để phân tích thành phần và sự phân bổ khoáng chất phức tạp.
Vệ tinh này cũng có thể được sử dụng để quan sát mật độ chất diệp lục, độ trong của nước và toàn bộ mật độ vật chất lơ lửng trong các hồ để giúp theo dõi môi trường và ngăn ngừa ô nhiễm nước./.
Theo Bích Liên (TTXVN/Vietnam+) - 12/4/2023
https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-phat-trien-he-thong-giam-sat-ve-tinh-moi-truong-sinh-thai/856760.vnp